Một giấc mơ qua hai thế kỷ của nhà giáo - nhà văn Trương Quang Đệ

Mùa xuân này, thầy Trương Quang Đệ bước sang tuổi 90. Dù vậy, người trí thức tài hoa này vẫn chứng tỏ một trí tuệ mẫn tiệp, tinh thần năng động, một nguồn tri thức dồi dào và một trái tim luôn đong đầy cảm xúc. Mới đây, thầy cho ra mắt tập truyện Một giấc mơ qua hai thế kỷ - NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Thầy Trương Quang Đệ
Thầy Trương Quang Đệ

Dạy tiếng Pháp và tình yêu với tiếng Việt

Khi nói về một nhà văn hay một tác phẩm, người ta thường tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của nhà văn đó. Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng chia sẻ về thầy Trương Quang Đệ: Giống như nhiều trí thức xuất thân từ các làng quê Việt Nam thời chiến tranh, ông chủ yếu tự học để tích lũy tri thức ban đầu. Tuy nhiên, ông may mắn hơn nhiều người khác khi có cơ hội tiếp cận sâu rộng với nền văn hóa và giáo dục Pháp. Quá trình làm việc, ông từng là giảng viên, chuyên gia, dịch giả tiếng Pháp, đồng thời giữ chức Trưởng khoa Ngoại ngữ tại Trường ĐH Sư phạm Huế.

Ở ông tồn tại một sự mâu thuẫn, nhưng đó cũng là một điều hợp lý. Thân sinh của ông từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Trị thời chống Pháp, dành trọn đời cho cuộc kháng chiến chống thực dân. Còn ông, trong những năm tháng sung sức nhất, lại truyền bá văn hóa Pháp tại Việt Nam. Có người ví von rằng, gia đình ông phản ánh rõ hình ảnh của cuộc cách mạng dân tộc: đánh đuổi cái xấu và sẵn sàng tiếp nhận điều tốt đẹp.

Thầy Trương Quang Đệ đã tham gia đào tạo giáo viên dạy tiếng Pháp, chủ biên sách giáo khoa tiếng Pháp cho học sinh trung học phổ thông, đồng thời vận động thành lập các trung tâm Pháp ngữ tại Hà Nội và TPHCM. Ông cũng dịch nhiều sách Pháp sang tiếng Việt với đa dạng thể loại, từ tiểu thuyết đến sách lý luận, tiêu biểu như Balzac và cô thợ may Trung Hoa bé nhỏ, Suy nghĩ về toàn cầu hóa... Đặc biệt, ông ghi dấu tài năng dịch thuật của mình qua bản chuyển ngữ thành công tác phẩm Đại tượng vô hình của triết gia đương đại Pháp François Jullien.

Ngoài giảng dạy, đào tạo, truyền bá tiếng Pháp và văn hóa Pháp, ông còn dành nhiều tâm huyết nghiên cứu tiếng Việt. Trong đó, đáng chú ý nhất là tác phẩm Vấn đề ngôi trong tiếng Việt, được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Tác phẩm thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tinh tế về tiếng Việt - một sự am hiểu của những người vừa nắm vững lý thuyết ngôn ngữ học, vừa thành thạo ngoại ngữ và giàu kinh nghiệm dịch thuật. Đây được xem là một trong những công trình nghiên cứu hoàn chỉnh và toàn diện nhất về vấn đề ngôi trong tiếng Việt. Tác giả bắt đầu từ lý thuyết đại cương về phạm trù ngôi, sau đó ứng dụng vào nghiên cứu tiếng Việt một cách cụ thể.

Mặc dù sử dụng nhiều ngữ liệu từ các ngôn ngữ biến hình châu Âu, đặc biệt là tiếng Pháp, để làm rõ phạm trù ngôi từ góc độ ngôn ngữ học đại cương và đối chiếu, tác giả vẫn luôn có ý thức thoát khỏi tư duy “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm). Ông tránh rập khuôn, cố gắng miêu tả hệ thống ngôi trong tiếng Việt một cách khách quan, sát với bản chất và những biểu hiện đa dạng của nó.

Nỗi niềm của một trí thức

Mặc dù tự nhận mình chuyên về nghiên cứu ngôn ngữ, không chuyên sâu văn chương hay triết học theo nghĩa không phải là một người làm nghề chuyên nghiệp trong những lĩnh vực này, nhưng có lẽ chính những suy tư và cảm xúc trước thời cuộc đã khiến ông dành sự quan tâm đặc biệt đến nhiều vấn đề ngoài chuyên môn. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện những nét độc đáo: tư duy sắc sảo, duy lý của một trí thức; sự lãng mạn, tài hoa của một nhà văn; và vốn trải nghiệm phong phú của một chứng nhân lịch sử - người đã cùng quê hương trải qua cả niềm hạnh phúc lẫn những nỗi đau trong dòng chảy đầy biến động của lịch sử.

CN3 nhan vat 2.jpg
Tập truyện Một giấc mơ qua hai thế kỷ

Một giấc mơ qua hai thế kỷ là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của thầy Trương Quang Đệ. Tập truyện gồm bốn tác phẩm, phản ánh những biến động của dân tộc trong hai thế kỷ cận đại. Bối cảnh các truyện trải dài từ thế kỷ 18, qua những ngày sôi động của Cách mạng Tháng Tám, đến giai đoạn miền Bắc bước vào hòa bình sau Hiệp định Genève. Dù mỗi truyện đều gắn liền với những thời khắc lịch sử trọng đại, giọng kể của tác giả vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh, không khoa trương mà đầy chất ân tình. Ông nhìn nhận số phận con người bằng sự độ lượng, thương yêu và hy vọng. Hai tác phẩm tiêu biểu, Mùa lũ sông Niger và Hình bóng Hồ Gươm một thời xa vắng, thể hiện rõ nét nhân văn và lòng nhân ái trong bút pháp của thầy Trương Quang Đệ.

Cuộc sống trải qua bao thăng trầm, lịch sử bao phen nổi sóng, thì thông điệp cuối cùng của tác phẩm vẫn tươi sáng và đẹp đẽ: Ôi anh tha thiết mong em hồi tưởng lại/Những ngày vui trong tình bạn sum vầy/Thuở ấy cuộc đời sao mà đẹp mà êm ái/Đến mặt trời cũng nóng bỏng hơn ngày nay.

Tác phẩm xoay quanh những trí thức, thầy cô giáo sống cùng thời với nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784). Dù lấy bối cảnh cách đây hơn 200 năm, tác phẩm vẫn mang đậm tính thời sự. Đặc biệt, cuộc tranh luận về giáo dục - giữa việc duy trì phương pháp truyền thống hay đổi mới theo xu hướng hiện đại - vẫn luôn là vấn đề được quan tâm.

Thầy Trương Quang Đệ chia sẻ: “Tôi ấp ủ đề tài này từ sau khi đọc Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn. Mãi đến khi đọc những cuộc tranh luận sôi nổi về giáo dục nước nhà, tôi mới chợt nhớ lại câu chuyện xưa. Hóa ra giáo dục vẫn luôn là vấn đề muôn thuở, canh cánh trong lòng người. Thế là từ chuyện xưa, tôi kết hợp với những trải nghiệm thực tế đời nhà giáo của mình và nền giáo dục nước nhà từ hàng chục năm qua để viết nên Một giấc mơ qua hai thế kỷ”.

Một giấc mơ qua hai thế kỷ không chỉ là dấu ấn văn chương của thầy Trương Quang Đệ, mà còn là một tiếng nói triết lý sâu sắc về con người và lịch sử. Câu chuyện giáo dục trăn trở vài trăm năm, những sự kiện lịch sử, nỗi niềm của con người qua dòng chảy của thời đại, hiện lên dưới giọng văn của thầy Trương Quang Đệ, là những tâm hồn mang đậm tình yêu quê hương đất nước.

Tin cùng chuyên mục