Một doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc 5.000USD và thanh toán gần 72.000USD nhưng đối tác “biến mất”

Một doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đặt cọc 5.000USD và thanh toán gần 72.000USD qua 2 ngân hàng thương mại của Pakistan để nhập nguyên liệu thủy sản, nhưng sau đó đối tác ở nước này biến mất, ngân hàng chưa có hồi âm rõ ràng.

Ngày 16-8, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan vừa cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể mắc phải khi nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ thị trường này.

Thủ đoạn mà các doanh nghiệp lừa đảo áp dụng là giả mạo giấy chứng nhận xuất khẩu, giả danh công ty uy tín để tạo sự tin cậy và thu hút doanh nghiệp Việt Nam, sau đó yêu cầu đối tác thanh toán một khoản tiền đặt cọc lớn hoặc chuyển tiền trước để “đảm bảo” giao dịch, nhưng không thực hiện hợp đồng và biến mất.

Trường hợp cụ thể, hồi tháng 5-2024, một doanh nghiệp Việt Nam nhận thư chào hàng nguyên liệu thủy sản với lời giới thiệu là đại diện của Công ty Y. (Pakistan). Tin tưởng vào đối tác này nên doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng và chuyển 5.000USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên, sau đó đối tác đã không giao hàng. Ngày 12-6, doanh nghiệp Việt Nam đã đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pakistan hỗ trợ.

IMG_1628.jpeg
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Karachi, Pakistan. Ảnh minh họa

Nhận được đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam, đại diện thương vụ đã đến ngân hàng MCB LTD. (ngân hàng nhận 5.000 USD tiền đặt cọc của công ty Việt Nam và trụ sở Công ty Y. (Pakistan).

Thế nhưng, đại diện Công ty Y. (Pakistan) lại thông báo, công ty này không mở tài khoản tại ngân hàng MCB LTD. và đây là hành vi lừa đảo bằng cách mở tài khoản trái phép mang tên của Công ty Y. (Pakistan).

Điều muốn nói thêm, mặc dù đã được thương vụ cảnh báo nhưng sau đó, công ty của Việt Nam vẫn tiếp tục giao dịch với đối tác lừa đảo này. Cụ thể, đến ngày 13-8 vừa qua, công ty này lại có thư gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đề nghị hỗ trợ vụ việc công ty này đã ký hợp đồng với Công ty Z. (Pakistan) mua 1 container cá mú chất lượng cao trị giá 81.900 USD, đã thanh toán 71.900 USD, Công ty Z. (Pakistan) đã giao hàng nhưng sau đó không gửi chứng từ giao hàng và cắt đứt liên lạc.

Ngày 14-8, thương vụ đã mời đại diện của Công ty Z. (Pakistan) đến làm việc, nhưng đại diện Công ty Z. (Pakistan) khẳng định không nhận được số tiền 71.900 USD. Tài khoản mang tên Công ty Z. (Pakistan) mở tại ngân hàng Meezan Bank Limited (đã nhận 71.900 USD) không phải là tài khoản của họ. Đại diện Công ty Z. (Pakistan) cho rằng đối tác của doanh nghiệp Việt Nam đã mở tài khoản mạo danh họ tại ngân hàng Meezan Bank Limited để lừa đảo.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan nhận định, đối tác lừa đảo này vẫn chính là đối tượng đã tìm cách lừa doanh nghiệp Việt Nam khi mở tài khoản mạo danh Công ty Y. (Pakistan) tại ngân hàng MCB LTD.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã cảnh báo hai ngân hàng này phải chịu trách nhiệm về việc để cho khách hàng mở tài khoản “giả” để thực hiện hành vi lừa đảo. Thương vụ sẽ thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Pakistan kiểm tra, chấn chỉnh các ngân hàng thương mại của Pakistan, không để tình trạng khách hàng mở tài khoản trái quy định để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tin cùng chuyên mục