Trung tâm HLTTQG 1 những ngày trước SEA Games

Một đêm ở Nhổn

Nhận lời mời của Giám đốc Trung tâm HLTTQG Đặng Ngọc Tuấn, chúng tôi đã quyết định lên Nhổn để được “cùng ăn, cùng ngủ” với các VĐV vào đêm 15-11, tức chỉ còn khoảng mươi ngày là ngọn lửa SEA Games 23 sẽ thắp sáng. Và một tối ở Nhổn cũng giúp chúng tôi nhìn thấy nhiều vấn đề của “đại bản doanh” thể thao Việt Nam này…

Nhận lời mời của Giám đốc Trung tâm HLTTQG Đặng Ngọc Tuấn, chúng tôi đã quyết định lên Nhổn để được “cùng ăn, cùng ngủ” với các VĐV vào đêm 15-11, tức chỉ còn khoảng mươi ngày là ngọn lửa SEA Games 23 sẽ thắp sáng. Và một tối ở Nhổn cũng giúp chúng tôi nhìn thấy nhiều vấn đề của “đại bản doanh” thể thao Việt Nam này…

Đêm của những giọng ca vàng

Một đêm ở Nhổn ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái tặng hoa cho HLV trưởng đội tuyển nữ quốc gia Mai Đức Chung.

Đúng 20 giờ, tôi có mặt tại cửa Trung tâm HLTTQG 1, nhưng anh bảo vệ nhất quyết “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và chỉ khi có ý kiến của Giám đốc Đặng Ngọc Tuấn qua điện thoại thì anh mới cho vào nhưng không quên vói theo: “Đang thời kỳ cấm trại mà!”.

Qua khỏi phòng bảo vệ, tôi như lọt vào một thế giới riêng biệt. Các lối đi vẫn sáng đèn, phòng ở của VĐV cũng thế, nhưng sự yên ắng bao trùm khắp nơi, đây đó chỉ có tiếng dế kêu nỉ non cùng gió khua xào xạt qua khóm lá. Và nếu không biết trước tối nay các VĐV đều tập trung phía dưới hội trường để tham gia liên hoan văn nghệ thì có lẽ tôi đã cũng không tránh khỏi ngạc nhiên pha lẫn cảm giác rờn rợn…

Bước vào trong hội trường, tiếng đàn, tiếng nhạc hòa cùng lời ca của các tuyển thủ trong một không khí cuồng nhiệt đến… ngỡ ngàng. Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó mà hình dung giọng ca của võ sĩ boxing Minh Tuấn lại mượt mà đến thế, rồi những tiếng hát của Thu Minh (bóng chuyền), Hồng Hà (bắn súng), Duy Bằng (nhảy cao)… luôn được sự cổ vũ nhiệt tình của khá đông VĐV khiến tôi càng thêm bất ngờ. Những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” này dù ít ỏi, nhưng đã phần nào khuấy động tinh thần và đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho các VĐV trong những ngày cấm trại tại “đại bản doanh” vốn đã rất đìu hiu này.

Đêm của những... gói mì

9 giờ tối, buổi giao lưu văn nghệ kết thúc, các VĐV lục tục rời hội trường và kéo vào phòng ăn để nạp năng lượng. Thế nhưng, tại đây chỉ lác đác hơn chục VĐV đang ngồi ăn mì tôm (mì gói). Từ lúc chế độ ăn của các tuyển thủ SEA Games được nâng lên 100 nghìn đồng/ngày, Trung tâm Nhổn đã thiết kế 4 bữa/ngày: bữa sáng ăn tự chọn; bữa trưa và chiều ăn theo mâm, còn bữa tối ăn nhẹ với mì gói, cháo hoặc miến.

 Nhưng do quá cận kề ngày thi đấu nên ít VĐV muốn ăn thêm bữa tối vì sợ… tăng cân, nhất là những VĐV các môn phải thi đấu theo số trọng lượng cơ thể. Bữa sáng, bữa trưa và cả bữa chiều cũng trong tình trạng tương tự, trong đó cũng có nhiều nguyên nhân, phần do thức ăn không hợp khẩu vị, phần do tập luyện vất vả nên các VĐV cũng không ăn được nhiều.

Đây không phải do các đầu bếp của Nhổn nấu ăn không khéo, bởi ngay trong đêm 15-11, sau buổi tiệc do Pepsi chiêu đãi đội tuyển bóng đá nam tại khách sạn Fortuna, khá nhiều cầu thủ vừa xuống xe đã tìm vào nhà bếp xin bát mì gói vì không hợp khẩu vị với đồ ăn của khách sạn. Chợt nhớ lời đề nghị của HLV Lê Công (đội tuyển Karatedo): “Chỉ nên cho VĐV ăn chế độ 70.000 đồng/ngày, số còn lại phát cho họ uống nước hoặc tự mua đồ ăn vì nhiều VĐV đã phải ghi sổ nợ tại căng-tin”, khiến tôi cảm thấy không phải là vô lý.

Vì không hợp khẩu vị, nhiều đội đã tự động đi chợ nấu những món ăn dân dã như bún ốc, bún riêu… nhưng đều phải làm “chui”, chứ để cán bộ trung tâm biết được thì rất… phiền.

Và những đêm “thiết quân luật”

Chỉ cách tuyến đường Quốc lộ 32 chừng 200m, nhưng Nhổn hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài. Sau giờ tập luyện vất vả, các VĐV gần như không có sự giải trí nào ngoài truyền hình và… chuyện phiếm. Dù cũng có một số thiết bị để phục vụ nhu cầu giải trí của các tuyển thủ, nhưng phòng vi tính chỉ có 5 máy, một đầu hát karaoke, vài chiếc bàn Billiards chẳng thấm vào đâu so với mấy trăm con người đang hừng hực sức xuân.

 Vì thế, dù có lệnh “cấm trại 24/24”, nhưng vẫn thường xuyên diễn ra chuyện nhiều VĐV “trốn trại” ra ngoài mà bảo vệ và thậm chí là HLV cũng không thể quản lý. Mới đây, một VĐV Pencak Silat dù trong thời gian cấm trại nhưng đã bị chấn thương phải trả về địa phương vì… tai nạn xe máy cách trung tâm vài km. Một HLV nhiều năm ở Nhổn cho biết: “Cấm cửa trước thì chúng nó luồn cửa sau trèo tường, làm sao quản lý nổi. Nhưng cũng phải công nhận, buổi tối ở đây buồn lắm!”.

22 giờ đêm hôm ấy, khác với thường lệ, các phòng VĐV vẫn sáng đèn vì truyền hình đang phát sóng bộ phim “Ỷ thiên đồ long ký” rất hấp dẫn. Dư âm của buổi liên hoan cũng khiến các VĐV đi ngủ muộn hơn. Tiếng cười, tiếng nói râm ran khắp các khu nhà. 23 giờ, lần lượt các phòng mới tắt đèn và Nhổn lại chìm vào yên lặng.

Chúng tôi rời Trung tâm HLTTQG 1 trong đêm gió mùa đông bắc lạnh buốt với tâm trạng bồi hồi khi nghĩ về những tuyển thủ quốc gia – những con người trẻ của đất nước đang phải  “ép mình” hôm nay để đem vinh quang về cho Tổ quốc ngày mai. Và khi ở cùng họ, chúng ta mới hiểu tại sao trên bục vinh quang của chiến thắng, lẫn trong nụ cười lại có nhiều nước mắt đến thế…

PHƯƠNG HOA

Tin cùng chuyên mục