Theo đó, người mắc bệnh hiểm nghèo (như ung thư, đột quỵ, ghép tạng…) hay bệnh hiếm (như hemophilia A) không cần làm giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu mà lên thẳng tuyến trên điều trị vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, với điều kiện là tuyến dưới chưa điều trị được.
Đề xuất trên nhận được sự ủng hộ của dư luận, bởi thời gian qua, thủ tục chuyển tuyến thường rườm rà, gây mệt mỏi, ức chế cho người bệnh. Nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi đã bỏ tiền túi để khám dịch vụ, chấp nhận mất quyền lợi BHYT và có cái nhìn không thiện cảm về y tế công lập.
Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Điểm (35 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng), bị mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4, di căn xương. Khi phát hiện mắc bệnh, chị mua BHYT để giảm gánh nặng viện phí.
Tuy nhiên, mỗi lần làm thủ tục chuyển tuyến là một ngày lê thê chờ đợi. Khi đến TPHCM, chị mất thêm một ngày nghỉ ngơi, chi phí không tên cũng tăng dần. Do bệnh nặng, cơ hội điều trị mong manh, chị Điểm đặt hy vọng vào thuốc miễn dịch pembrolizumab - loại thuốc có giá trên 60 triệu đồng/lọ. Loại thuốc này chưa được BHYT thanh toán nên hành trình chữa bệnh của chị càng thêm chật vật.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận 180.000 ca ung thư mới, khoảng 200.000 ca đột quỵ, thực hiện trên 1.000 ca ghép tạng… Đề xuất mới này của Bộ Y tế càng thuận lòng dân vì giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian và tiếp sức cho hành trình lâu dài của người bệnh. Đồng thời, giúp tiết kiệm chi cho Quỹ BHYT khi giảm số lượt khám bệnh và tăng hiệu quả của mỗi đợt điều trị.
Bên cạnh đó, người bệnh ung thư vẫn đang chờ đợi BHYT chấp nhận thanh toán một số loại thuốc miễn dịch. Giá thành thuốc rất cao là một rào cản, trong khi BHYT phải đảm bảo tính công bằng cho mọi người bệnh và loại bệnh. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận mỗi loại thuốc mới của thế giới mở ra cơ hội cho hàng trăm ngàn người bệnh nan y, thì việc xem xét, điều chỉnh quy định là điều cần lưu tâm.
Đến nay, cả nước có hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân. Và người dân đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào những điều chỉnh, bổ sung cần thiết trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, vì quyền lợi, sự công bằng và nhân văn.