LTS: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của Chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua mọi thử thách, 170 năm qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi giải quyết, nhưng Chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và xây dựng Đảng. Những tư tưởng đó có ý nghĩa thiết thực trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta.
Một số người hiện nay ngại nói về Chủ nghĩa Mác, ngại nói về Chủ nghĩa xã hội. Cá biệt, có những người còn cảm thấy ngượng ngùng khi nói về điều ấy và cho rằng sao cũng được, cứ miễn là dân giàu, nước mạnh. Ước vọng về một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng hẳn nhiên là mong mỏi hết sức chính đáng, nhưng để có một đất nước hùng cường phải được xây dựng trên một nền móng vững chắc. Một trong những nền móng ấy là hệ tư tưởng chủ đạo dẫn dắt đất nước và dân tộc ấy. Với Việt Nam, nhờ hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin được áp dụng phù hợp với lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam, thông qua Tư tưởng Hồ Chí Minh, đã giúp Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và dẫn đường cho công cuộc xây dựng xã hội mới.
C.Mác và Ph.Ăngghen. Ảnh: Tư liệu
Khi đánh giá về Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (gọi tắt là TNĐCS), Lênin đã phân tích ngắn gọn nhưng rất xác đáng: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng nhiều bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”.
Đây thực sự là bản cương lĩnh chính trị đầu tiên, là bản khai sinh của Chủ nghĩa cộng sản. TNĐCS thể hiện cô đọng những bộ phận hợp thành của Chủ nghĩa Mác, do đó, đây là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của Chủ nghĩa Mác nói chung, Chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, tổng hợp tất cả những kiến thức mới mẻ và đúng đắn mà 2 ông đã tích lũy. Khi tổng kết nguồn gốc của Học thuyết Mác, Lênin đã khẳng định TNĐCS là người thừa kế chính đáng nhất của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX.
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực chống cộng trên thế giới đã hô hoán về sự cáo chung của Chủ nghĩa Mác. Người ta gán cho Mác rất nhiều sai lầm. Các nhà tư tưởng, các nhà chính trị của tư sản vội vã lên tiếng rêu rao về sự diệt vong của Chủ nghĩa cộng sản và xem đó là “sự tận cùng của lịch sử”. Điều ấy không có gì lạ, bởi ngay từ khi mới ra đời ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ XIX, học thuyết này đã bị xem là “bóng ma ám ảnh châu Âu”. Vì vậy, nó có bị chống đối cũng là dễ hiểu. Chỉ có một điều hơi “khó hiểu” là ngay trong đội ngũ những người cộng sản, trong đó có những người đã từng giữ trọng trách lớn, có những người từng là những “môn đồ trung thành” của Chủ nghĩa Mác thì nay đã vội vã “đổi màu”, cho rằng học thuyết này đã lỗi thời. Một trong những nguy cơ rất lớn hiện nay không chỉ là sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, mà còn là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để chống phá, xuyên tạc hệ tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội (CNXH), nhiều người thường dẫn ra những sai lầm, khuyết điểm mà Liên Xô và Đông Âu vấp phải trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong thời đại tiến bộ vượt bậc hiện nay của nền văn minh nhân loại, cũng có những quan điểm cho rằng kinh tế tri thức, thời đại công nghệ thông tin không dung nạp CNXH.
Bìa ấn phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Ảnh: tư liệu
Trong thực tế hiện nay, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phải gánh chịu tổn thất vô cùng to lớn bởi sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô, Đông Âu và đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Song rõ ràng đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế - một mô hình máy móc, rập khuôn, không đúng với bản chất của Chủ nghĩa Mác, chứ không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng. CNXH vẫn đang có sức hấp dẫn, chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh. Nhiều nước Bắc Âu đã đi theo con đường xây dựng một xã hội mà họ gọi đó là CNXH dân chủ; mô hình của CNXH vẫn còn hàng trăm ngàn người tin theo trong đất nước Israel, các phong trào cánh tả nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Mỹ Latin... Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác và càng không khỏi khâm phục những người sáng lập ra nó. Năm 1995, một đại hội quốc tế về Mác đã được tổ chức tại Paris, quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học trên thế giới. Các đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt Mác vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại”. Nhà triết học tư sản đương đại người Pháp Jacques Derrida trong tác phẩm Những bóng ma của Mác đã khẳng định “Không có tương lai nếu không có Mác, không có các di sản của Mác… Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI”. Một nhà khoa học Mỹ, từng nhận được giải thưởng Nobel về kinh tế, từng phát biểu: “Mác là một nhân vật quá lớn để chúng tôi không thể để dành riêng Mác cho những người cộng sản”.
Đảng ta khẳng định, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề nguyên tắc số một, là nhiệm vụ hàng đầu trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng - được vũ trang bằng lý luận của Chủ nghĩa Mác, nhân dân ta đã chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và đang thu được những thành quả to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong hòa bình. Với sự kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và phát triển một cách tốt nhất, khoa học nhất những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác, nhất định Đảng và nhân dân ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhằm biến lý tưởng nhân văn cao đẹp của TNĐCS từng bước trở thành hiện thực.