
Từ hôm nay (15-12), dù đang ở bất cứ nơi đâu hay bất kỳ thời điểm nào, người dân chỉ cần một một cái “click chuột” vào địa chỉ www.ict-hcm.gov.vn của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và vào http://www.hochiminhcity.gov.vn (trang thông tin điện tử của UBND TPHCM, ảnh), tức thì hệ thống “một cửa điện tử” sẽ cung cấp cho người dân biết được tình trạng hồ sơ của mình đang được cơ quan chức năng giải quyết như thế nào.
Một công cụ cho nhiều đối tượng
Khi các thông tin minh bạch, nó còn là công cụ giúp chính quyền TP theo dõi, giám sát việc giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính của từng đơn vị quản lý nhà nước. TPHCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng hệ thống này. Đối với người dân (doanh nghiệp), “một cửa điện tử” đem lại sự tiện ích cho họ ở chỗ “tra cứu hồ sơ cá nhân”.
Muốn biết tình trạng hồ sơ xin cấp phép của mình đã được cơ quan chức năng giải quyết đến đâu, qua website người dân chỉ cần nhập mã số tra cứu biên nhận, tức thì hệ thống tự động sẽ trả lời cho người dân kết quả ngay lập tức rằng hồ sơ của mình đã được xử lý xong hay chưa xong.
Trường hợp không qua website, người dân có thể tra cứu bằng điện thoại di động hoặc điện thoại bàn qua số điện thoại 1900.545.444 cũng được thông báo kết quả tình trạng hồ sơ của mình đang được giải quyết như thế nào. Các loại hồ sơ có thể tra cứu bao gồm các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, văn hóa, đất đai, xây dựng, chứng thực…

Như vậy, với hình thức này người dân sẽ không tốn công, tốn thời gian và tốn các chi phí khác để lui tới cơ quan hành chính nhà nước mới biết được kết quả giải quyết hồ sơ của mình. Vì thực tế, đâu phải lúc nào cơ quan hành chính nhà nước cũng giải quyết thủ tục đúng hẹn.
Và, khi tất cả những thông tin liên quan đến việc xử lý các thủ tục hành chính Nhà nước được công khai minh bạch bằng những số liệu rất cụ thể, sống động tại “một cửa điện tử” nó sẽ giúp cho các cấp lãnh đạo và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát được công tác này.
Ví dụ, ngay giao diện của “một cửa điện tử” thể hiện một con số rất ấn tượng “Đến tháng 12-2008, TPHCM đã giải quyết 74% hồ sơ đúng hẹn” (tự động cập nhật vào ngày 14-12-2008).
Điều này cũng có nghĩa là còn đến 26% hồ sơ giải quyết chưa đúng hẹn! Nếu tiếp tục vào tìm hiểu thêm thông tin bên trong sẽ đưa ra những con số rất cụ thể: Năm 2008, TP (9 quận đã tham gia hệ thống “một cửa điện tử”) tiếp nhận 60.570 hồ sơ và đã giải quyết 54.506 hồ sơ. Con số này được thể hiện cụ thể trong từng tháng và tại từng quận huyện, sở ngành.
Đặc biệt, khi tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tại các quận – huyện đưa ra trong “bức tranh” chung qua 1 tháng sẽ giúp cho lãnh đạo cấp trên có một cái nhìn tổng thể và đánh giá được mức độ giải quyết hồ sơ giữa các địa phương, đơn vị.
Ví dụ, ngay trong tháng 12, thể hiện tại bản thống kê cho thấy, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tại quận 10: 96% (240 hồ sơ), quận 11: 94% (16 hồ sơ), quận 7: 55% (362 hồ sơ), quận 4: 63% (59 hồ sơ) và huyện Hóc Môn chỉ có 11% (8 hồ sơ).
Bản thân lãnh đạo giữa các quận huyện cũng “theo dõi” nhau và “tự điều chỉnh” khi tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn của đơn vị mình thấp hơn đơn vị bạn.
Mong được hồi âm!
Theo báo cáo của Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM, hệ thống “một cửa điện tử” được xây dựng trên kết quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của các quận – huyện được thực hiện từ giữa năm 2005 theo mô hình, kiến trúc mà sở đã đề ra để thực hiện chung trước đó.
Hiện nay, hệ thống “một cửa điện tử” đã kết nối liên thông được 19 hệ thống của quận huyện, sở ngành, gồm các quận: 4, 5, 7, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân, Nhà Bè và Sở Tài nguyên – Môi trường... Chỉ còn một số ít quận huyện chưa được kết nối vào hệ thống chung do chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Trong năm 2009, hệ thống này sẽ tiếp tục kết nối hệ thống tất cả các quận huyện, sở ngành còn lại để mô hình được đầy đủ và theo đúng nghĩa.
Một trong những tiêu chí và thước đo về hiệu quả công tác quản lý của chính quyền thành phố chính là mức độ và chất lượng cung ứng các loại dịch vụ công, trong đó yếu tố có thể định lượng được là tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn.
Trong thực tế, người dân vẫn còn quá nhiều phiền hà về cung cách phục vụ của bộ máy hành chánh công hiện nay. Vì vậy, việc triển khai “một cửa điện tử” sẽ công khai và minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, tác động mạnh vào cải cách hành chính và nâng cao mức độ hài lòng của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công. Các báo cáo được cung cấp bởi “một cửa điện tử” là trung thực vì được thực hiện hoàn toàn tự động và không thể bị thay đổi.
Tuy nhiên, để “một cửa điện tử” mang lại hiệu quả như mong đợi thì nó phải được người dân cũng như lãnh đạo các cấp sử dụng rộng rãi. Đây là một công cụ hữu hiệu để người dân giám sát, lãnh đạo kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước. Qua quá trình tham gia hệ thống, người sử dụng sẽ đặt ra các yêu cầu, góp ý thêm để Sở TT-TT hoàn chỉnh “một cửa điện tử” để phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Đến nay đã có 23/24 quận huyện đầu tư ứng dụng CNTT theo mô hình chung của thành phố, trong đó có 17 phần mềm được triển khai đại trà phục vụ ứng dụng CNTT gồm: 4 phần mềm xây dựng môi trường làm việc điện tử (G2E), 5 phần mềm dịch vụ công (G2C và G2B), 4 phần mềm về quản lý xây dựng, 4 phần mềm quản lý đất đai (ứng dụng GIS). Tiến hành đánh giá, hoàn chỉnh các phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai xây dựng đảm bảo phù hợp nhu cầu quản lý. Hiện có 19/24 quận, huyện vận hành chính thức 9 phần mềm quản lý hành chính; 12/24 quận, huyện đã triển khai 4 phần mềm về quản lý xây dựng. TPHCM là đơn vị đi đầu trong cấp phép trực tuyến. Cấp giấy phép qua mạng đối với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép thành lập văn phòng đại diện. Hàng năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có trên 50% doanh nghiệp đăng ký trực tuyến. Nguồn: Sở TT-TT TPHCM |
VÂN ANH