
Tính đến giữa tháng 12-2004, Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TCV) tròn 140 tuổi. Nơi này không chỉ là địa chỉ văn hóa, du lịch của TPHCM mà còn là công viên văn hóa-lịch sử-khoa học về động, thực vật lâu đời nhất nước, đồng thời cũng là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới.
- Vườn sưu tập động, thực vật phong phú
TCV được xây dựng năm 1864 trên một khu đất rộng 12 ha nằm cạnh sông Rạch Lăng do ông J.B.Louis Pierre - chuyên viên khảo cứu thực vật nhiệt đới người Pháp phụ trách. Công trình này hoàn thành vào năm 1865, đặt tên là Sở thú. Năm 1956, Sở thú đổi tên thành TCV Sài Gòn và trở thành nơi sưu tập thực vật (TV) và động vật (ĐV) đầu tiên tại Việt Nam.

Tiến sĩ Võ Đình Sơn – Trưởng phòng Giáo dục bảo tồn TCV đang nói chuyên đề “Thuyết tiến hóa – nguồn gốc con người” với các em HS.
TCV hiện nay với diện tích 20ha là nơi có bộ sưu tập ĐV và TV đa dạng và phong phú gồm 750 cá thể thuộc 130 loài, trong đó có 110 loài thú hiếm của thế giới như vọc vá chân đen, sói lửa, báo gấm, mèo gấm, sếu đầu đỏ, trĩ sao… Thực vật có khoảng 2.100 cây thuộc 360 loài thuộc 100 họ, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh, trong đó có khoảng 20 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và hơn 100 loài nhập từ nước ngoài.
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp - Giảng viên bộ môn cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, có thể tìm thấy ở đây nhiều loài cây quí hiếm đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, có tuổi thọ gần 200 năm như giáng hương, cây né, cẩm lai, trầm hương, tùng… Ngoài ra, trong khuôn viên TCV, còn có rất nhiều loài cây cho hoa rất đẹp như Sala (cây Đầu lân) được mệnh danh cây nhà Phật, cây Cát Anh hoa đỏ hợp thành chùm rực rỡ còn được gọi là cây hoa hồng núi, cây Nón Cụ có nguồn gốc châu Phi chỉ có ở TCV và hơn 500 chậu kiểng đặc sắc gồm nhiều chủng loại... Tiến sĩ Diệp nhận định, TCV thực sự là nơi để tham quan, nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, truyền bá kiến thức về thảo mộc, đặc biệt là các loài hoa, cây cảnh và phục vụ công tác giáo dục, vui chơi, giải trí cho công chúng.
Tháng 9-2003, TCV đã xây dựng chương trình “Nghiên cứu kết hợp giáo dục học sinh với bảo tồn và bảo vệ môi trường tại TCV”. Tiến sĩ Võ Đình Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Bảo tồn TCV cho biết: Chương trình nhằm củng cố và mở rộng những kiến thức sinh học mà các em được học ở trường, tạo điều kiện tiếp xúc trực tiếp “hiện vật”, nghe giáo viên giảng giải những lợi ích của các loài cây, thú quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng… Điều này giúp giờ học của các em trở nên sinh động hơn so với học “chay”.
Đây là cách hữu hiệu nhất để các em có được nhận thức đúng đắn trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã và môi trường sống. Hiện TCV đã trang bị các thiết bị nghe, nhìn và có 8 giáo viên có trình độ chuyên ngành tham gia giảng dạy các buổi ngoại khóa với nhiều chuyên đề về bảo tồn thiên nhiên cho các trường THCS, THPT, đại học trên địa bàn TP.
Đặc biệt, chuyên đề Vườn thú thiếu nhi đã thu hút được rất nhiều các em học sinh THCS tham gia. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 30 ngàn học sinh đã tham gia chương trình này. Hiện nay, TCV thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan hàng năm.
- Nhân giống thành công nhiều loài động vật quý hiếm
Nghiên cứu khoa học và nhân giống các loài ĐV có nguy cơ bị tuyệt chủng là một trong những mục tiêu quan trọng của TCV nhằm góp phần vào việc bảo tồn các loài ĐV sinh sản trong điều kiện nuôi để bổ sung cho các quần thể bị suy giảm ngoài tự nhiên hoặc sử dụng cho các chương trình trao đổi động vật giữa các vườn thú. Một trong nhiều loài ĐV có nguy cơ tuyệt chủng đã được nhân giống thành công là beo lửa. Đây là loại thú chỉ có ở vùng Đông Nam Á, được Hiệp hội Bảo tồn động vật thế giới (IUCN) liệt vào loại ĐV sẽ nguy cấp.
Thế nhưng 4 năm về trước, các kỹ sư ở TCV đã làm nên điều kỳ diệu, gây chấn động giới khoa học trong và ngoài nước khi giao phối thành công và con beo lửa ở TCV “hạ sinh” được đứa con đầu lòng. Từ đó, nhiều chuyên gia nuôi thú quốc tế đã “khăn gói” đến TCV xin học kỹ thuật nhân giống các loài thú quý hiếm. Vừa qua TCV đã trao đổi với Đức cặp beo lửa lấy con sư tử đực Nam Mỹ để nhân giống và hiện con sư tử cái của TCV đang mang thai. TCV cũng đã nhân giống thành công loài trĩ sao - loài chim sống ở môi trường rất khó tính.
Anh Thân Văn Nê, phụ trách Tổ chim TCV hồ hởi kể rằng có một chuyên gia quốc tế về chim khi thấy các loài chim quý có mặt tại TCV đã thốt lên: “Dường như chỉ Việt Nam mới làm nên điều kỳ diệu này!”. Tháng 11 vừa qua, TCV vừa nhập 2 con hươu cao cổ (có nguồn gốc Nam Phi) từ Thái Lan về với kinh phí 1,9 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Hiền Lương- Giám đốc TCV - cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu loại ĐV này- loại thú quí hiếm, hình dáng đẹp, tính hiền lành, có thể tiếp xúc trực tiếp với du khách và có thể được bảo tồn và nhân giống thành công tại TCV.
Ngoài ra, TCV cũng đã thành công trong chương trình nhân giống các loài cá sấu nước ngọt, mèo gấm, cá sấu nước mặn, cầy vằn, báo lửa, gà lôi vằn, cầy mực, vượn má vàng, nai cà tông, công xanh…
Diện tích 20 ha đã trở nên quá chật hẹp và không đáp ứng được nhu cầu phát triển của TCV. Chính vì vậy, TPHCM đã có chủ trương xây dựng một TCV mới có quy mô khoảng 500 ha ở Củ Chi. TCV mới sẽ là một vườn thú mở, đạt tiêu chuẩn quốc tế với các loài thú tự do sống trong khu vực rộng. Bà Hiền Lương cho biết, để tạo nguồn cung cấp thú cho dự án này TCV Sài Gòn sẽ thu nạp thêm các loài thú châu Phi, các loài chim, thú mới lạ, quý hiếm lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam như thiên nga đen, sếu vương miện, linh dương sừng xoắn, ngựa vằn, tê giác trắng…
HẠNH NHUNG