Với độ cao 40 tầng, đây sẽ là công trình kiến trúc bằng gỗ cao nhất thế giới. Tòa nhà sẽ thay đổi cách nhìn của tất cả mọi người từ dáng vẻ bên ngoài đến kết cấu bên trong. Có không gian mở với nhiều loại gỗ, kính và thép, đây sẽ trở thành nơi làm việc của hàng ngàn chuyên gia công nghệ khi hoàn thành vào năm 2025.
Việc xây dựng với nhiều sáng tạo mới đem lại lợi ích đáng kể về môi trường. Cấu trúc tòa nhà dùng carbon ít hơn 50% so với các kỹ thuật hiện đang được sử dụng phổ biến, sau khi hoàn thành nó cũng sử dụng năng lượng ít hơn 50% so với tòa nhà thông thường. Tòa nhà trang bị các tấm pin mặt trời để khai thác năng lượng tái tạo. Tòa nhà sẽ sử dụng một kỹ thuật được gọi là Mass Timber Construction (MTC), liên quan đến một khung thép hỗ trợ phần gỗ còn lại của cấu trúc. MTC được coi là công nghệ mới nhất trong việc đưa ngành xây dựng hướng tới các giải pháp hữu ích nhằm giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Tòa nhà được xây dựng trong khu công nghệ Sydney, là một phần của kế hoạch cung cấp không gian làm việc cho khoảng 25.000 nhân viên, trong đó chỉ riêng Công ty Atlassian chiếm 4.000 người. Tuy nhiều văn phòng trên khắp thế giới đã đóng cửa do đại dịch Covid-19 nhưng Altassian tự tin rằng tòa nhà sẽ đáp ứng nhu cầu làm việc theo mô hình mới. Scott Farquhar, đồng sáng lập và đồng CEO của Atlassian cùng lãnh đạo chính quyền địa phương là bà Gladys Berejiklian, cho biết, tòa nhà mới sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy sự phục hồi của khu vực. Được đặt tên là Tech Central, tòa nhà này cũng là văn phòng của nhiều công ty khởi nghiệp về công nghệ.
Việc ưu tiên dùng công nghệ mới giảm khí thải cũng nằm trong lộ trình đầu tư công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng phát thải thấp và tiến tới một nền kinh tế xanh vững chắc hơn của Chính phủ Australia. Ngày 22-9 vừa qua, Australia công bố 5 lĩnh vực công nghệ ưu tiên đầu tư trong tương lai bao gồm: hydro sạch; dự trữ năng lượng; thép và nhôm carbon thấp; thu giữ và lưu trữ carbon; tái tạo carbon thành chất dinh dưỡng cho đất. Công nghệ là chìa khóa để Australia thiết lập kế hoạch chi tiết bảo vệ môi trường của riêng nước này, được xây dựng dựa trên nền tảng mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra. Lộ trình đầu tư công nghệ mới của Australia còn đảm bảo nước này có thể cắt giảm lượng khí phát thải, trong khi tiếp tục củng cố sự thịnh vượng kinh tế. Đây là con đường duy nhất giúp Australia đạt được các mục tiêu về khí hậu trước năm 2030 theo Hiệp định Paris. Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ cũng là giải pháp có chi phí hợp lý, thấp hơn so với các giải pháp thay thế phát thải cao khác.
Dự kiến, Chính phủ Australia sẽ đầu tư hơn 18 triệu AUD (12,78 triệu USD) cho kế hoạch phát triển công nghệ mới trong vòng 10 năm tới. Với kế hoạch này, Canberra kỳ vọng sẽ cung cấp một cách tiếp cận trung lập về công nghệ đối với việc đầu tư vào năng lượng, nhằm giảm lượng khí thải carbon mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.