Một công đôi việc

Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat ngày 19-2 vừa công bố các biện pháp giảm lượng khí thải carbon trong bối cảnh các thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu có hiệu lực. 

 

 

Bộ trưởng Tài chính Singapore, ông Heng Swee Keat. (Nguồn: straitstimes.com)
Bộ trưởng Tài chính Singapore, ông Heng Swee Keat. (Nguồn: straitstimes.com)
Theo đó, từ năm 2019, Singapore sẽ đánh thuế khí carbon vừa để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa giúp các công ty nước này cạnh tranh hơn. Theo ông Heng Swee Keat, 1 tấn khí thải sẽ bị đánh thuế 5 SGD (khoảng 3,8 USD) từ năm 2019 đến 2023, sau đó, Singapore sẽ xem xét lại mức thuế và có thể tăng lên 10-15 SGD/tấn vào năm 2030. Mức thuế trên sẽ được áp dụng đối với toàn bộ cơ sở sản xuất trong mọi lĩnh vực mỗi năm thải ra từ 25.000 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính trở lên. Theo tờ The Straits Times, mức thuế này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 30-40 công ty chủ yếu trong ngành lọc dầu, hóa chất và chất bán dẫn. Nguồn thu thuế này sẽ là nguồn tài chính cho các biện pháp giảm thiểu khí thải công nghiệp. Chính phủ đã và đang trao đổi với những người đứng đầu các ngành công nghiệp và lên kế hoạch bắt đầu các cuộc họp về thuế vào tháng 3 tới trước khi có quyết định cuối cùng và đưa ra lộ trình thực hiện, đồng thời hy vọng thúc đẩy tạo việc làm trong các ngành công nghiệp năng lượng sạch. Tờ The Straits Times bình luận với kế hoạch này, chính phủ đã tận dụng “một công đôi việc” vừa bảo vệ môi trường, thêm nguồn thu ngân sách, vừa thêm công ăn việc làm.

Chính phủ Singapore cho biết nước này xếp thứ 26/142 nước về lượng khí thải tính theo đầu người dựa trên số liệu mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế, do diện tích nước này nhỏ và đông dân. Mức thuế mới tương đương 3,5 - 7 USD tăng thêm trên chi phí của một thùng dầu, và sẽ làm tăng giá điện thêm 2% - 4%. Mức thuế này sẽ khuyến khích doanh nghiệp áp dụng những biện pháp giảm lượng khí thải, giúp họ thêm sức cạnh tranh hơn trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước đề ra những giới hạn chặt chẽ hơn về lượng khí thải. Singapore ước tính thu gần 1 tỷ SGD thuế từ khí thải trong 5 năm đầu tiên, song chính phủ đảo quốc này cũng sẵn sàng chi số tiền cao hơn để giúp các doanh nghiệp Singapore tiết kiệm năng lượng. 

Ông Chris Graham, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, dự báo: “Những tác động lớn nhất sẽ rơi vào các nhà máy phát điện và công nghiệp nặng, như nhà máy lọc dầu, vì thế chính phủ sẽ phải làm việc với những đối tượng này để đảm bảo thuế không làm tăng chi phí lên mức khiến họ không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp tương tự không phải trả phí cho khí thải trong khu vực”. Hãng Royal Dutch Shell, đang vận hành 1 trong 3 nhà máy lọc dầu ở Singapore, cho biết rất ủng hộ nỗ lực của chính phủ và sẽ đánh giá những tác động của chính sách này lên hoạt động của mình khi có thêm thông tin. Exxon Mobil có 1 nhà máy lọc dầu ở Singapore, cam kết hợp tác với Chính phủ Singapore nhằm cân bằng các rủi ro của khí thải nhà kính với nhu cầu duy trì một nền kinh tế bền vững “Một mức giá cho carbon được áp dụng đồng bộ trong cả nền kinh tế là cách tiếp cận hợp lý để giảm lượng khí thải” .

Tin cùng chuyên mục