Và, tòa nhà 2 tầng - Khách sạn Tân Sơn Nhất 3 sao hiện nay chính là nhà nghỉ của Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu - Thủ tướng và Tổng thống của Chính quyền Sài Gòn.
Thời đó, khu vực này nằm bên trong 2 lớp tường rào: 1 bằng đan bê tông cốt thép, 1 bằng kẽm gai cao quá đầu người. Hàng cây xoài cổ thụ cành lá um tùm bên trong che chắn hết tầm nhìn từ ngoài, cùng với những lô cốt nặng nề bên tường rào.
Sáng 30-4-1975, những trận chiến khốc liệt đã diễn ra ở khu vực này. Nhiều chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống ngay trước thời khắc lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc tầng thượng tòa nhà Sở Chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu, lúc 11 giờ 30 phút, cùng lúc với lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.

Năm 1988, tòa nhà trên được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho cải tạo làm Nhà khách Đối ngoại của Quân khu 7 với tên gọi Nhà khách Tân Sơn Nhất; có chức năng đón tiếp phục vụ các đoàn quân sự nước ngoài khi đến thăm, làm việc với Quân khu 7 và TPHCM. Ngày nay, địa chỉ trên là quần thể Khách sạn Tân Sơn Nhất thuộc Quân khu 7.
Năm 1989, khi tôi về nhận nhiệm vụ tại đây thì căn phòng nghỉ, phòng làm việc trước đây của ông Trần Thiện Khiêm (1/2 tòa nhà phía bên trái; 1/2 bên phải là của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu) gần như còn nguyên trạng.
Tôi không hiểu vì sao sau mười mấy năm kể từ ngày 30-4-1975 đến năm 1989, căn nhà dù đã qua sự quản lý của nhiều đơn vị từ cấp bộ, tới cấp quân khu mà căn phòng làm việc này vẫn được giữ nguyên? Lớp bụi dày, mạng nhện bủa giăng trong căn phòng nhỏ nhưng ngăn nắp với đầy sách báo, hình ảnh, vật lưu niệm...
Năm 1990, khi giải tỏa căn phòng để cải tạo, tôi bất ngờ phát hiện có 1 quyển lịch bàn nhỏ đã ố vàng, phủ đầy bụi, trong đó có một số tờ có ghi chữ, cùng vài tấm danh thiếp: “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tôi giữ kỹ danh thiếp và những tờ lịch có bút tích đó. Sau này, được đón tiếp, phục vụ Đại tướng Văn Tiến Dũng và gia đình của ông tại Nhà khách Tân Sơn Nhất, bà Nguyễn Thị Kỳ - phu nhân của Đại tướng và con gái ông bà đã xác nhận bút tích ấy chính là của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Bút tích trên từng tờ lịch ghi: “Ngày 26-4-1975: “Chiến dịch Hồ Chí Minh mở đầu cánh quân Đông - 17 giờ, 26-4”; Ngày 30-4-1975: “Giải phóng Sài Gòn - 11 giờ 30” (ảnh); Ngày 1-5-1975: “Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuẩn bị tiến về thành phố”; Ngày 2-5-1975: “Bộ Chỉ huy chiến dịch tới nhà này”; Ngày 3-5-1975: “Họp các quân đoàn ở David rồi chuyển về họp ở đây sau giải phóng Sài Gòn”; Ngày 4-5-1975: “Giải thể Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Cố Thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên trợ lý của Đại tướng Văn Tiến Dũng, lúc sinh thời đã kể lại nhiều chuyện trong thời gian đơn vị ông theo Đại tướng tới tiếp quản và làm việc tại tòa nhà này, trong đó có việc các ông đã trồng nên vườn dừa gần 20 cây ngay đầu hồi khu nhà. Vườn dừa xanh rợp mát một thời từng là điểm nhấn của khách sạn Tân Sơn Nhất.
Ngày nay, nếu đến Khách sạn Tân Sơn Nhất khu 3 sao, các bạn có thể nhìn thấy một số hiện vật trước năm 1975 còn sót lại. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi muốn kể về một địa chỉ mà nơi đó có một giá trị như là chứng tích, gắn với ngày đại thắng của toàn dân tộc Việt Nam - ngày 30-4-1975.
Đại tá Mạc Phương Minh
Nguyên Giám đốc Khách sạnTân Sơn Nhất - Quân khu 7