Nín thở từ nhà ra ngõ
Muốn đến chung cư Him Lam Phú An, phải đi ngang qua một trạm trung chuyển rác nhếch nhác, nồng nặc mùi hôi. Hàng ngày những xe chở rác đến rồi đi tấp nập từ sáng tới khuya. Ai chạy xe qua đoạn đường này cũng phải đeo khẩu trang kín mít.
Chị Nguyễn Thị Huyền (cư dân chung cư) than: “Hàng ngày, chúng tôi vẫn phải đi qua trạm trung chuyển rác và chịu đựng mùi hôi khủng khiếp. Có hôm mùi rác theo gió quẩn ngược vào hướng chung cư, thối không chịu nổi. Mỗi lần rời khỏi nhà là phải nín thở vượt qua đoạn đường này”.
Chị Phạm Thị Thu Thảo (cũng là cư dân tại chung cư) cho biết: “Tôi còn nhớ, ngày mở bán căn hộ, khi xem nhà mẫu, cư dân ngần ngại vì thấy bãi trung chuyển rác nằm sát cạnh nhà mẫu, thì phía chủ đầu tư khẳng định rằng bãi trung chuyển rác sẽ được di dời vào thời điểm khách nhận bàn giao căn hộ. Nhưng rồi thực tế đến nay bãi trung chuyển rác vẫn còn nằm đó. Ngày nắng rác bốc mùi hôi, ngày mưa rác trôi nổi hòa cùng nước mưa chảy về phía chung cư, thật khổ”.
Cư dân block C và D của chung cư này còn phải chịu đựng cảnh bụi dày đặc lan ra từ Nhà máy giấy Xuân Đức nằm sát chung cư. Chị Thu Thảo ngán ngẩm kể: “Kế bên chung cư là một nhà máy giấy khá lớn. Tiếng ồn inh ỏi phát ra ngày đêm từ nhà máy giấy, khói bụi mù trời từ 2 ống xả thải bám kín ban công, cửa kính. Từ nhà máy giấy, mùi hôi kinh khủng hắt lên khiến ai cũng phải đóng cửa ra ban công”.
Chị Nguyễn Hoàng Mai (cư dân block C) cũng than: “Bất kỳ ai đi ngang qua block C, D đều phải bịt mũi, nín thở vì cái mùi chất đốt đậm đặc, hôi nồng nặc, rất khó chịu. Mùi này do khí thải từ 2 ống khói lò hơi đốt than của nhà máy giấy có nồng độ bụi trong khí thải rất cao, lại xả khói với cường độ lớn và liên tục. Bụi thải ra từ ống khói là bụi than có kích thước khá lớn, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cư dân ngày nào cũng phải chịu đựng mùi hóa chất nồng nặc và tiếng ồn đinh tai nhức óc từ 6 bể xử lý ngoài trời không che đậy, hoạt động suốt ngày đêm”.
Tìm mọi cách thích nghi
Phải chịu đựng tiếng ồn, khí thải, khói bụi từ ngày này qua ngày khác, đã có khá nhiều cư dân block C, D view phía Tây Bắc thanh lý hợp đồng hoặc bán tháo căn hộ. Anh Nguyễn Tiến Sĩ (cư dân block C) đã vay ngân hàng trả góp để mua căn hộ tại chung cư này, nay không thể thanh lý hợp đồng để tìm không gian sống lành mạnh hơn, nên anh đành phải ở lại cầm cự, khốn khổ sống với khói bụi, tiếng ồn.
Chị Nguyễn Hoàng Mai cho hay: “Mọi người đều biết khí thải từ nhà máy giấy rất độc hại, nhưng vẫn phải sống trong khốn khổ và lo sợ. Sống ở đây giống như là sống cạnh tử thần, cái chết được báo trước”. Lo ngại vì không khí ô nhiễm nặng, nhiều hộ đã phải mua máy lọc không khí đặt trong nhà, nhưng máy luôn báo động bởi nồng độ bụi quá cao.
Chị Nguyễn Thị Huyền buồn bã: “Hãy cứu chúng tôi, 1.092 hộ với hơn 2.000 cư dân tại chung cư này, cùng rất nhiều cư dân các khu vực xung quanh. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là Nhà máy giấy Xuân Đức có biện pháp khắc phục. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động xả thải, gây tiếng ồn của nhà máy giấy này”.
Ông Phan Ân Kha, Trưởng ban Quản lý chung cư Him Lam Phú An, cho biết ban có nhận đơn thư khiếu nại của cư dân và đã phản ánh, thông tin đến chính quyền quận 9. Hiện có 234 căn hộ ở block C và D bị ảnh hưởng từ Nhà máy giấy Xuân Đức.
Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó Trưởng phòng TN-MT quận 9, cho biết: “Từ nhiều năm nay, năm nào Nhà máy giấy Xuân Đức cũng nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường trầm trọng ở địa phương, thường xuyên bị xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhà máy này đang nằm trong danh sách đối tượng kiểm tra ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản của Sở TN-MT TPHCM năm 2019. Phòng TN-MT quận 9 đã làm việc với Nhà máy giấy Xuân Đức, lãnh đạo nhà máy đã cam kết khắc phục việc phát sinh khí thải và tiếng ồn. Tuy nhiên, đến nay khói bụi, tiếng ồn động cơ trong nhà máy, tiếng ồn từ bể xử lý nước thải và mùi hôi bốc lên vẫn đáng báo động”.