
Đức Phật, nàng Savitri và tôi là cuốn sách viết về lịch sử Đức Phật, là cái nhìn hiện thực qua góc độ thiền quán. Tác giả không hoàn toàn viết về lịch sử đạo Phật chỉ qua những huyền thoại, giai thoại, như trong sách của nhiều tác giả khác.

Với Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái dẫn người đọc đến xứ sở Thích Ca, nơi Phật phát tích. Về hình thức, tiểu thuyết này đậm chất du ký, với hành trình qua chuyến du ngoạn của tác giả và qua lời kể chuyện của một cô gái hướng dẫn viên, cũng là nàng Savitri. Nàng Savitri của nhà văn có khả năng kể chuyện tuyệt vời, và người đọc hiểu thêm, hóa ra kể chuyện dài không chỉ có ở xứ sở của tác phẩm ngàn lẻ một đêm, mà còn có ở đất nước Ấn Độ – Nepal, dưới chân dãy Himalaya hùng vĩ.
Viết về sự phát tích của Đức Phật, Hồ Anh Thái không chỉ viết tiểu sử Phật bằng những huyền thoại mà dựng hình ảnh Đức Phật lịch sử. Anh đã khai thác triệt để nguồn văn minh sông Hằng, văn hóa Ấn Độ, bóc dỡ những lớp sương mù huyền thoại tôn giáo để tìm ra vấn đề thuộc vào cốt lõi của con người Đức Phật, và cõi tâm linh sâu thẳm.
Tác giả có vốn kiến thức khá lớn về văn hóa dân gian cổ đại, lịch sử, triết học Phật giáo. Và cả những tục lệ dị biệt, tục đẻ đứng nhuốm màu sắc dị đoan, tục thiêu xác người, lệ cưới hỏi mang ý nghĩa tôn giáo, tục tế ngựa nhằm thôn tính đất đai trắng trợn và độc ác của thời cổ đại… Đọc nhiều trường đoạn ngỡ như anh đang đưa người đọc tới tiểu thuyết phong tục, rồi liền sau đó, anh lại trở về với hiện tại. Chính sự đan xen giữa các mảng huyền thoại và hiện thực ấy đã làm cho cuốn sách có chiều sâu, với những lớp lang rộng hơn bề dày của nó. Tác giả còn cho người đọc biết thêm về các bản kinh Phật cổ đại, trung đại, rồi Kinh Vệ Đà Yajur. Khởi thủy của kinh này là dạy cách tế lễ, thờ phượng, nhưng qua năm tháng đã có những biến thái cho phù hợp với thời cuộc.
Hồ Anh Thái có ý thức xây dựng nhân vật, số lượng nhân vật trong tiểu thuyết này không nhiều, có hai tuyến rõ rệt. Tuyến thứ nhất là nhân vật hôm nay, có suy nghĩ, lời ăn tiếng nói rất gần với người đương đại. Tuyến thứ hai là nhân vật mang đậm chất ước lệ, giàu tính biểu tượng, đậm chất dân gian, huyền thoại, nhưng vẫn được cá tính hóa. Tuy thế, người đọc vẫn còn muốn thấy những nhân vật hiện tại có tính cách đời thường hơn nữa.
Văn của Hồ Anh Thái trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi biến hóa về câu chữ, nhiều trang tả cảnh rất ấn tượng. So với các tác phẩm khác của anh, yếu tố hài ít hơn. Nhìn chung đây là tiểu thuyết cấu trúc giản dị, người đọc bình thường dễ tiếp nhận. Tuy vậy, đây cũng là tác phẩm kén độc giả. Chúng ta cần những tác phẩm văn học có tư tưởng sâu, cho dù ban đầu người đọc tiếp nhận không nhiều, nhưng là người đọc có xu hướng tìm đến những tác phẩm sâu sắc. Đấy cũng là hướng đến của các nhà văn âm thầm làm việc, dấn thân vào công việc vốn rất khó khăn, phức tạp và thú vị này.
NGUYỄN QUỐC TRUNG