Thế nhưng đúng thời gian như trong thư mời chỉ có khoảng 50% phụ huynh có mặt. Vậy là phải chờ. Đã vậy nhiều người dự họp phụ huynh cho con lại ăn mặc không hợp ở chốn học đường (quần sọt, áo lửng 2 dây); dự họp mà vô tư sử dụng điện thoại, chơi game, trao đổi chuyện riêng rất to tiếng. Đã vậy nhiều phụ huynh còn mang theo con cháu mình cùng dự họp tạo không khí rất ồn ào.
Điều tôi quan tâm nhất là có một phụ huynh đến dự, sau khi xem bảng điểm của con mình dưới trung bình đã đùng đùng nổi giận bỏ ra về sau khi có những lời nói không hay với cô giáo chủ nhiệm. Người này cho biết đã bỏ ra số tiền không nhỏ để cho cháu đi học thêm ở những “lò” dạy thêm có tiếng nhất thành phố. Đâu đã vậy, ông còn thuê hẳn gia sư là một cựu sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học đến dạy thêm vào cuối tuần. Vậy mà tất cả như “muối bỏ biển”, kết quả học tập của cháu rất kém. Người này còn tuyên bố trước khi ra về: sẵn sàng bỏ tiền để ủng hộ trọn gói cho trường để tổ chức các phong trào văn – thể - mỹ… miễn sao con ông phải có điểm số trên trung bình là được.
Khi giáo viên chủ nhiệm giải thích, điều quan trọng là không nên gây áp lực cho cháu bởi đây chỉ là điểm số của học kỳ 1, riêng điểm số học kỳ 2 mới mang tính quyết định. Việc nâng cao chất lượng học tập còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: chất lượng lên lớp của giáo viên; sự tự thân vận động của trẻ; sự quan tâm của phụ huynh với con em mình trong việc học tập; điều cốt lõi là tiền bạc sẽ không mua được kiến thức.... Ngay lập tức vị phụ huynh trên đã bỏ ra về với tuyên bố “sẽ xin chuyển con mình sang lớp khác và nếu cuối năm kết quả không thay đổi sẽ chuyển cháu đến TPHCM để theo học ở trường quốc tế.
Nói đến bệnh thành tích, người ta thường lên án ban giám hiệu, các thầy cô chạy theo thành tích chung, chạy theo các danh hiệu thi đua dẫn đến những kết quả “ảo” thật đáng buồn, đáng lo nhưng ít ai lại nhắc đến vấn nạn bệnh thành tích từ nhận thức, suy nghĩ, hành động của các bậc phụ huynh. Họ sẵn sàng bỏ tiền để thuê gia sư có tên tuổi, kinh nghiệm, danh hiệu để hỗ trợ con em mình; họ sẵn sàng ủng hộ những khoản tiền lớn để mong con mình được “lưu ý đặc biệt”, có được những điểm số đẹp... nhưng không biết rằng suy nghĩ và hành động trên vô tình trở thành "phương tiện" ngăn trở sự phát triển việc học của con em mình bởi đã rơi vào trường hợp “điểm số đẹp nhưng kiến thức bằng 0”.
Việc phụ huynh dành thời gian kiểm tra, theo dõi việc học của con em mình dường như đang bị nhiều người “bỏ quên” thay vào đó là suy nghĩ “có tiền lẫn quyền là có tất cả”; và khi có tiền, có quyền thì sẽ có những điểm số đẹp để đến khi phát hiện ra kiến thức thật sự của con em mình thì đã quá muộn.
Xem ra bệnh thành tích trong ngành giáo dục từ các bậc phụ huynh không hề nhỏ và việc xóa bỏ cũng còn lắm gay go.