Tối 3-3, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.
Tại họp báo, báo chí chất vấn, dịch Covid-19 tiếp tục tăng mạnh, vậy ngành y tế có kịch bản ứng phó ra sao, xử lý tình trạng loạn giá kít xét nghiệm cũng như khan hiếm các loại thuốc, vật tư y tế để phòng chống dịch Covid-19? Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, số ca nhiễm hiện nay tăng nhanh do biến thế mới Omicron có tốc độ lây lan tăng gấp 2,5 lần biến thể Delta và tăng gấp 5 lần thể cũ.
“Một bộ phận người dân chủ quan vì đã tiêm vaccine, không thực hiện nguyên tắc 5K”, Thứ trưởng cảnh báo. Tổ chức Y tế thế giới cũng nói thời điểm này còn quá sớm để coi Covid-19 như bệnh cúm mùa, và dịch chưa thể kết thúc trong năm 2022. Do đó, đề nghị người dân tiếp tục tuân thủ nguyên tắc 5K, không tự ý mua thuốc điều trị Covid-19.
Về kít xét nghiệm bị loạn giá hiện nay, một phần do nguồn cung bị thiếu, Bộ Y tế đã họp với các doanh nghiệp nhập khẩu kít xét nghiệm yêu cầu thực hiện công khai giá bán buôn, bán lẻ; cơ sở bán thuốc phải niêm yết giá bán lẻ; địa phương kiểm tra để bảo đảm không có hiện tượng găm hàng.
“Người dân không nên lo lắng quá mà dự trữ thuốc điều trị, kít xét nghiệm; không nên test hàng ngày mà 2-3 ngày mới test; có thể test gộp trong gia đình…”, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo.
Trả lời về quan điểm của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, vấn đề này đã được Bộ Y tế, Chính phủ tính toán kỹ, báo cáo Bộ Chính trị, tiến hành lấy ý kiến người dân và được Bộ Chính trị đồng ý cho việc triển khai tiêm. Chính phủ đã quyết định mua 29 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ em.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, trong phiên họp, Chính phủ cũng đã đề cập đến một hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là một bộ phận người dân có tâm lý chờ thành F0. Vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em được triển khai rất thận trọng…
Báo chí cũng đặt vấn đề về việc giá dầu thô thế giới tăng cao, Việt Nam liệu có bảo đủ nguồn cung xăng dầu, việc điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm kiềm chế lạm phát. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh. Hiện nay, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu thô thế giới tăng cao.
Về vấn đề nguồn cung xăng dầu, hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. Thời gian qua có lúc thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu cục bộ ở một số nơi do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất. Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để bù số thiếu hụt, nên trong tháng 2 vẫn cơ bản bảo đảm nguồn cung.
Hiện nhà máy Nghi Sơn cho biết, trong tháng 4 sẽ bảo đảm công suất 100%. Để bảo đảm cho nguồn cung ứng xăng dầu nội địa, Bộ Công thương cũng đã giao cho các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu, bảo đảm kể cả trong trường hợp nhà máy Nghi Sơn không bảo đảm công suất thì vẫn bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, thế giới cũng như Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt xăng dầu, phân bón, thép… Nhưng nỗ lực của ngành công thương là bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng cao, vậy chúng ta có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với bình thường? Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, quy định cũ 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần, nhưng hiện nay 1 tháng điều chỉnh 3 lần. Trong trường hợp đặc biệt, giá xăng dầu quá biến động thì các bộ liên quan báo cáo Thủ tướng chỉ đạo. Hiện tại, liên bộ Công thương - Tài chính đang thảo luận để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc điều chỉnh xăng dầu trong bối cảnh hiện nay.
Về phương hướng điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay), gửi xin ý kiến các bộ ngành.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng mỗi lít với xăng (trừ etanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng. Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng mỗi lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng một lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng mỗi kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng một kg. Nhiên liệu bay được giữ như mức hiện hành, vì đã được giảm 1.500 đồng mỗi lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc giảm này thực hiện từ 1-4 đến hết năm 2022.
Với mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn này, ngân sách năm nay sẽ giảm thu khoảng 11.982 tỷ đồng (gồm thuế VAT). Theo Bộ Tài chính, việc giảm này giúp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.
“Với biến động giá cả xăng dầu hiện nay, Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất các giải pháp điều hành nhằm bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.