Phát biểu tại hội trường, các đại biểu đều ghi nhận những kết quả quan trọng mà các ngành tư pháp đạt được trong thời gian qua, như đã thụ lý 2,4 triệu vụ việc; giải quyết được 2,37 triệu vụ việc (đạt 97,6%), so với nhiệm kỳ trước; thụ lý tăng hơn 624.500 vụ việc. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%. Đặc biệt, các vụ án về tham nhũng, kinh tế được tập trung giải quyết; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng tăng mạnh, đạt gần 80.000 tỷ đồng…
Theo ĐB, Luật sư Nguyễn Chiến (Hà Nội), mặc dù số lượng án xét xử tăng mạnh, song nhìn chung, công tác chuẩn bị phiên toà khá chu đáo theo tinh thần cải cách tư pháp. Hình phạt áp dụng nghiêm nhưng vẫn thể hiện tính chất nhân văn, nhân đạo. Tuy nhiên, trang thiết bị vật chất cũng như nhân lực của các ngành tư pháp, đặc biệt là toà án, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tranh tụng ở toà có khi còn hình thức, luật sư chưa được tạo điều kiện để thực thi tốt nhất nhiệm vụ của mình… ĐB, Luật sư Nguyễn Chiến đề nghị Quốc hội khoá XV tăng cường giám sát toàn bộ hoạt động tư pháp, ngay từ khâu ban hành văn bản, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường chất vấn người đứng đầu tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân. “Tuy nhiên, ở đây có vấn đề khía cạnh pháp lý khi Quốc hội thực hiện giám sát, cần quan tâm thêm”, ĐB Nguyễn Chiến lưu ý.
Bày tỏ băn khoăn về nhận định trong báo cáo của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích: “Báo cáo của toà khẳng định “không để xảy ra oan sai, kết án oan người vô tội”, nhưng tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, khi trả lời chất vấn, Chánh án nói “chưa phát hiện”. Tôi nghĩ nói như vậy đúng hơn là “không để xảy ra”. Hai khái niệm này có sự khác biệt về chất. Thực tế là tình trạng bản án, quyết định của toà án bị hủy, sửa vẫn còn, dù trong giới hạn được Quốc hội cho phép. Báo cáo không thấy đề cập cụ thể những sai sót này cũng như việc đánh giá hậu quả và xử lý trách nhiệm người có liên quan”.
Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận xét, tuy tư tưởng, quan điểm tiến bộ của cải cách tư pháp đã được thể chế hoá, nhưng thực tiễn nhiệm kỳ qua cho thấy, một bộ phận cán bộ điều tra, xét xử chưa thay đổi nếp nghĩ, thói quen, chưa quán triệt các nguyên tắc suy đoán vô tội và tranh tụng. Ý kiến tranh tụng của luật sư nhiều khi bị át đi bởi quyền lực công tố.
“Thời hạn truy tố, xét xử bị chậm, không ít đơn khiếu nại bị quên lãng, nhiều bản án thiếu đầu tư công sức trí tuệ. Doanh nhân lo lắng vì một số trường hợp phán quyết trọng tài thương mại bị toà án bác đi không hợp lý”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì nhấn mạnh, tỷ lệ oan sai tuy đã giảm, nhưng phải phấn đấu để không có oan sai, không thể đặt ra định mức cho công lý, vì tỷ lệ oan sai dù rất nhỏ, “nhưng bạn nghĩ sao nếu oan sai hy hữu đó rơi đúng vào mình, vào người thân của mình”?