Cuối tháng 6-2023, chị H.M. (trú tỉnh Quảng Nam) đưa bé T.L. (6 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình để thăm khám và bày tỏ mong muốn thực hiện phẫu thuật loại bỏ những ngón tay, chân thừa cho bé.
Mỗi bàn tay, bàn chân của cháu L. có đến 6 ngón. Tổng cộng em có 12 ngón tay, 12 ngón chân. Mặc dù các ngón tay, chân vẫn phát triển và có xương bình thường nhưng việc dư thừa các ngón khiến sinh hoạt của em bị cản trở, đặc biệt là khi lựa chọn giày, vận động, chạy nhảy.
Sau khi tiếp nhận, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã chỉ định thực hiện X-quang, các cận lâm sàng cần thiết và tiến hành hội chẩn. Để giảm thiểu tối đa thời gian phẫu thuật, tránh tác dụng phụ không mong muốn từ việc sử dụng thuốc mê trong thời gian dài, ekip đã quyết định huy động 3 bác sĩ, chia thành 2 kíp thực hiện đồng thời trên cả hai tay và chân cho em.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật vừa đảm bảo chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhi |
Bác sĩ gây mê đã cân nhắc và quyết định sẽ lấy ven cho T.L dưới hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi an toàn.
Quá trình điều trị bắt đầu với hai ngón thừa ở chân trái và phải. Các bác sĩ tiến hành cắt xương, kết hợp tái tạo dây chằng và gân, sau cùng là khâu thẩm mỹ. Sau khi loại bỏ phần ngón chân thừa xong, các bác sĩ thực hiện tương tự ở hai bàn tay.
Sau 3 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật kết thúc thành công, L. được chuyển về phòng hậu phẫu. 2 ngày sau phẫu thuật, hai tay em có thể thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như nắm đồ vật, không còn bị khó chịu và đau đớn.
Theo Bác sĩ CKI Huỳnh Đắc Anh, đơn vị Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng, dị tật thừa ngón là một tình trạng bẩm sinh khi có ngón tay hoặc ngón chân thừa (nhiều hơn 5 ngón). Dị tật này gặp phải ở khoảng 2/1000 trẻ sơ sinh, thường cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, sự xuất hiện đồng thời của dị tật thừa ngón ở cả tứ chi cùng lúc là một trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Tình trạng phức tạp này đặt ra những thách thức to lớn cho cả bệnh nhân và nhóm bác sĩ phẫu thuật bởi đây là một kỹ thuật phức tạp, dễ xảy ra biến chứng.