Trường hợp mắc bệnh là một bệnh nhân nam (trên 50 tuổi, trú xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có tiền sử mắc bệnh tiểu đường.
Theo gia đình bệnh nhân, vợ chồng bệnh nhân hay đi làm nông. Cách đây vài tháng, bệnh nhân phát hiện bụng xuất hiện nhọt, có mủ, đi mổ lấy khối áp xe 2 lần nhưng không khỏi bệnh. Bệnh nhân có dấu hiệu trướng bụng, xuất hiện áp xe mủ ở ổ bụng. Đến lần thứ 3 xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore.
Bác sĩ Lương Văn Tuấn, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bệnh Whitmore có thời gian điều trị kéo dài, tại bệnh viện điều trị từ 3-4 tuần, sau đó điều trị mãn tính bệnh nhân ở nhà từ 3-6 tháng và theo dõi liên tục.
Bệnh Whitmore là bệnh hiếm gặp, không bùng phát thành dịch và không lây sang người, dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh vì có áp xe cơ, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng da…
Bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Người và động vật có thể mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua trầy xước ngoài da.