Xã Ngư Thủy bây giờ đã chia thành 3 xã là Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam và Ngư Thủy Bắc. Trận địa của đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy ngày trước đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, nằm ở xã Ngư Thủy Trung.
O Trần Thị Thản, nguyên chính trị viên Đại đội pháo binh Ngư Thủy, cho biết ngày 20-11 tới đây là kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thành lập Đại đội pháo binh Ngư Thủy.
O Nguyễn Thị Sô (trái) thăm, động viên o Tất bị mù lòa, sống đơn chiếc
Năm 1967, khi mới thành lập, có 37 người; trong quá trình phát triển, bổ sung quân số, đến khi giải thể đơn vị năm 1977, đại đội có quân số 91 người. Lúc thành lập đơn vị, các nữ pháo thủ đều ở độ tuổi đôi mươi. Lúc giải thể, ai có người yêu thì lấy chồng, ai không có thì “mồ côi” tới bây giờ, vì khi trở về đời thường đã quá lứa lỡ thì. Nay 11 người đã mất.
Những nữ pháo thủ năm xưa nay đã ngoài 70-80 tuổi. Hầu hết các o không có bất cứ nguồn thu nhập nào, sống nhờ vào trồng trọt hoặc sự giúp đỡ của dân làng nên cuộc sống rất khó khăn. Từ ngày giải thể đơn vị tới nay, họ chưa một lần có dịp tổ chức họp mặt để cùng gặp lại nhau do không có kinh phí tổ chức.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, các chị em đều mong ước trong tháng 11 tới đây có thể tổ chức họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đơn vị, để các đồng đội cũ có dịp tề tựu với nhau.
O Thản cho biết, nhiều người hiện đang ốm đau liên miên, trong đó có o Nguyễn Thị Tất đã 80 tuổi, mù lòa, sống một mình trong căn nhà tình nghĩa trên trảng cát.
Các o chỉ có một ước muốn nhỏ nhoi là dịp họp mặt tề tựu thành hiện thực, mong có nhà tài trợ giúp đỡ một khoản kinh phí để tổ chức cuộc họp mặt này.
“Mỗi o trong đại đội chỉ mong có một bộ áo quần đẹp, nếu được hơn nữa thì mỗi người được tặng một bộ ấm chén có in chữ “Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy” làm lưu niệm là mãn nguyện lắm rồi”, o Thản nói.
Khoản kinh phí rất khiêm tốn để thực hiện một nguyện ước bình dị. Báo SGGP xin làm cầu nối, đón nhận sự đóng góp của các tấm lòng ủng hộ các nữ pháo binh Ngư Thủy.