Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá SGK mới các lớp 4, 8, 11. Giá sách được tính tương đối trên giá đơn lẻ của các môn học bắt buộc trong chương trình của Bộ GD-ĐT đều có giá từ vài trăm ngàn đồng/bộ trở lên.
Đơn cử bộ SGK lớp 4 giá 182.000-230.000 đồng/bộ; bộ SGK lớp 8 giá dao động 184.000-264.000 đồng/bộ. Giá SGK này đều chưa bao gồm sách tiếng Anh. So với giá sách cũ (87.000 đồng), giá SGK lớp 4 tăng khoảng 3 lần, tương tự giá SGK mới của các khối lớp 3, 7 và 10 năm ngoái. Các bộ sách lớp 8 và lớp 11 cũng tăng tương ứng.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng từ năm học 2020-2021. Hiện chương trình đã được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Khối 4, 8, 11 thực hiện từ năm học mới tới đây và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay đơn vị này đã thực hiện kê khai giá bán lẻ các bộ sách với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) theo đúng quy định.
Có thể thấy, mỗi khi các nhà xuất bản công bố giá SGK, lại dấy lên những ý kiến phàn nàn về giá SGK mới quá cao, lãng phí. Vấn đề này cũng đã được thảo luận nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội. Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ GD-ĐT đã giải trình việc giá SGK mới cao là do số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn; việc biên soạn, xuất bản được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; sách mới khổ lớn hơn 1,2 lần sách cũ; sách có nhiều hình ảnh... nên đội giá công in lên. Trong bảng giá năm nay, Công ty VEPIC cũng nêu bộ sách Cánh diều được in trên giấy chất lượng tốt nhất, màu sắc sống động, độ sắc nét cao bảo vệ thị lực học sinh, áp dụng công nghệ hiện đại để chống giả.
Giá SGK đã được đưa vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mà kỳ họp thứ 5 Quốc hội lần này đang thảo luận, xem xét thông qua. Theo đó, Nhà nước quy định mức giá trần với SGK để bảo đảm quyền lợi người học. Trong thời gian chờ đợi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp hạ giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ để hạ giá thành SGK, tránh lãng phí, ví dụ có nhất thiết phải in hình ảnh đẹp nhất, làm đẩy giá thành lên cao? Không ít phụ huynh phản ánh tình trạng một số môn học in SGK rất đẹp, bắt mắt nhưng học sinh gần như không “động” đến, ví dụ như SGK Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp lớp 10, SGK Giáo dục thể chất tiểu học… Lãng phí nhất là tình trạng SGK chỉ dùng 1 lần. Thậm chí, đã có những hoài nghi của đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu minh bạch, thậm chí có nguy cơ tiêu cực trong lĩnh vực SGK khi thực hiện xã hội hóa SGK.
Ngày 14-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên làm việc của lãnh đạo Quốc hội với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”. Đây là một trong 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023. Dự kiến, tháng 8-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe đoàn giám sát báo cáo. Chủ tịch Quốc hội cho biết, báo cáo giám sát sẽ phải chỉ ra nội dung nào chưa được, tồn tại, khuyết điểm, có vi phạm không, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì, trách nhiệm ra sao... trong lĩnh vực này.
Người dân đang rất mong chờ một báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội sẽ chỉ ra đầy đủ thực trạng của vấn đề giá SGK hiện nay. Và tiếp đó là các động thái tương xứng để minh bạch hóa những “điểm mù” nếu có trong lĩnh vực SGK, cũng là câu trả lời thỏa đáng trước những hoài nghi râm ran bấy lâu của dư luận về lĩnh vực này.