Gương mẫu giao đất làm đường
Đứng cạnh dãy nhà sắp bị cưỡng chế, ông Lâm Văn Đạt (63 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) giọng buồn rầu cho biết: “Gia đình chúng tôi về đây từ những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, ruộng đồng mênh mông. Khoảng năm 2016, thành phố có chủ trương xây dựng mới tuyến đường Thế Lữ. Gia đình tôi bị thu hồi hơn 420m2 đất để làm đường. Việc thu hồi đất ở khu này gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Tôi là đảng viên 40 năm tuổi Đảng, vợ tôi là cán bộ Hội Phụ nữ địa phương. Làm theo phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, vợ chồng tôi đã gương mẫu trong chấp hành quyết định thu hồi đất và hiến 20% giá trị đất đền bù để thực hiện tuyến đường. Trong lúc vận động, chính quyền địa phương đã “gợi ý” chấp thuận cho vợ chồng tôi xây dựng nhà trên phần đất trống là cái ao. Chúng tôi đã san lấp và xây dựng 5 ki-ốt cho thuê. Đó là thời điểm vợ tôi phát bệnh và các con tôi đến tuổi ăn, tuổi học. Tiền cho thuê đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong đời sống!”.
Vợ chồng ông Đạt đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và đất. Theo công văn số 523/TNMT ngày 11-4-2017 của Phòng TN-MT huyện Bình Chánh phúc đáp hồ sơ của ông Đạt xin chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở, thì khu đất này ở vị trí thửa đất 567, tờ bản đồ số 25, thuộc bộ địa chính xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Vị trí khu đất thuộc một phần diện tích khoảng 51m2 đất ở nông thôn, diện tích còn lại thuộc đất giao thông. Tuy nhiên, do khu đất có cạnh nhỏ hơn 3m, nên Phòng TN-MT không có cơ sở đề xuất UBND huyện Bình Chánh chấp thuận cho ông được chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở.
Xây nhà không phép từ lời "gợi ý"
Trong các lần vận động, chính quyền địa phương có “gợi ý” nêu chủ trương cho xây dựng nhà tại phần đất trống (khi đó là cái ao). Các bút tích của các đoàn đi vận động vào thời điểm đó (gồm bà Phan Thị Kim Mỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Nhựt; ông Trần Ngọc Điệp, cán bộ địa chính xã; ông Trần Thanh Phong, Trưởng ấp 1…) đều xác nhận vợ chồng ông Đạt dù chưa biết số tiền đền bù là bao nhiêu, chưa nhận tiền đền bù… nhưng là hộ dân đầu tiên chấp thuận và hiến 20% giá trị đất cho Nhà nước xây dựng đường Thế Lữ. Một số người dân cũng ghi ý kiến trên biên bản về việc ban vận động cho phép vợ chồng ông Đạt xây dựng nhà trên phần đất trống.
Phóng viên Báo SGGP đã tìm gặp những người chứng kiến sự việc năm xưa để xác minh. Ông Phan Văn Bửu (71 tuổi, ngụ gần nhà vợ chồng ông Đạt) kể: “Tôi là một trong những người dân sinh trưởng tại đây. Chúng tôi là những người dân địa phương bám đất, giữ vườn, khai hoang, phục hóa… Trong các cuộc kháng chiến, đây là vùng đất có truyền thống đấu tranh, chúng tôi đã đi theo cách mạng, cha mẹ chúng tôi ở lại nuôi dưỡng cán bộ. Con đường Thế Lữ kéo dài từ cầu Chợ Đệm đến khu di tích Láng Le - Bàu Cò nên chúng tôi rất phấn khởi khi tuyến đường được làm. Vợ chồng ông Đạt đã hiến đất để làm đường, thể hiện tấm lòng của người dân địa phương. Trong các lần gặp gỡ người dân, đoàn vận động đã hứa sẽ đề xuất UBND xã chấp thuận cho vợ chồng ông Đạt làm nhà trên phần đất trống là cái ao. Việc này có nhiều người chứng kiến!”. Tuy nhiên, bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để chứng minh pháp lý của việc ông Đạt xây dựng nhà.
Cầm tờ đơn xin cứu xét và các giấy tờ liên quan của ông Đạt, ông Trần Nhật Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, cho biết: “Chúng tôi đã tiếp xúc với ông Đạt và có biết trường hợp này. Vụ việc đã được các cấp chính quyền thông qua. Và tại thời điểm thành phố đang lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý xây dựng, theo tôi, không thể làm khác được. Trong các bút tích cũng như các giấy tờ có liên quan không có văn bản nào thể hiện UBND xã Tân Nhựt cho phép xây dựng các căn nhà đó. Một số bút tích của lãnh đạo đoàn thể, chính quyền cơ sở ở ấp vào thời điểm đó “gợi ý” việc xây dựng này thì họ có trách nhiệm bồi hoàn chi phí thiệt hại, nếu vì việc đó mà gây ảnh hưởng, thiệt hại đến vật chất của người dân!”.
Lời của ông Trần Nhật Thanh không sai. Tuy nhiên, nếu không có những lời hứa, bút tích của cán bộ địa phương vào thời điểm đó thì vợ chồng ông Đạt chắc chắn sẽ không đầu tư tiền của để xây dựng các ki-ốt cho thuê. Người dân chỉ cần đổ đống cát trước cửa nhà là cán bộ địa chính đã có mặt kiểm tra giấy phép xây dựng, trong khi công trình là 5 căn nhà được xây dựng ở mặt tiền đường và hoàn chỉnh như vậy, lẽ nào chính quyền địa phương không biết và cho tồn tại đến hơn 7 năm?