Các tài xế chạy xe ôm công nghệ như Grab, GoViet, Be ở TPHCM đều than do dịch bệnh nên sinh viên, học sinh đang nghỉ học kéo dài, và người dân hạn chế ra đường, nên suốt hơn 2 tháng qua, tài xế xe ôm công nghệ rơi vào cảnh ế ẩm, lượng khách sụt giảm, thu nhập giảm nhiều.
Anh Nguyễn Hoài Nhân (32 tuổi, quê Vĩnh Long, chạy Grabbike đã 3 năm nay) chia sẻ: “Ngày trước, thu nhập chạy xe nuôi sống cả gia đình tôi, nhưng giờ ế ẩm lắm, cả ngày đứng nắng đón khách nhưng chỉ được 2 - 3 cuốc, trừ hết chi phí, thu nhập chỉ hơn 50.000 đồng/ngày, không đủ đóng tiền nhà trọ. Nếu dịch kéo dài thêm vài tuần nữa, chắc tôi phải bỏ nghề, tìm công việc khác ổn định hơn”.
Cũng giống như anh Nhân, anh Võ Trung Kiên (48 tuổi, ở quận 12, chạy xe ôm công nghệ được hơn 3 năm nay) kể: “Đang trong mùa dịch nên mọi người hạn chế ra đường, thu nhập từ việc chạy xe không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học. Tôi phải chuyển qua làm bảo vệ cho một công ty tại quận Tân Bình để có thu nhập tạm thời trong thời gian khó khăn này”.
Hiện nay, người dân cũng đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng, nhiều người chọn cách mua sắm online để shipper giao hàng đến tận nơi, bản thân hạn chế ra đường để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nắm bắt tình hình đó, một số tài xế xe ôm công nghệ chuyển qua làm nghề shipper giao hàng online để có mức thu nhập khá hơn.
Anh Nguyễn Chí Quyết (25 tuổi, ở quận Thủ Đức, nhân viên shipper của Grab) cho hay: “Khoảng 2 tháng nay, lượng đơn hàng tăng chóng mặt, nhiều người dân, cơ quan, công ty có xu hướng đặt đồ ăn qua ứng dụng trực tuyến, mang đến tận nhà hoặc chỗ làm, nhất là vào buổi trưa hoặc đêm khuya. Có hôm nhận đơn hàng liên tục, tôi phải chạy từ trưa cho đến tối khuya mới xong; nếu trừ hết chi phí, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 300.000 đồng. Dù có vất vả hơn và cũng rất lo ngại về tình hình dịch bệnh, nhưng phải cố gắng cày cuốc để có thu nhập lo cho gia đình”.
Các hàng quán trên địa bàn TPHCM cũng đang gắng thích nghi với tình hình dịch bệnh, chuyển sang bán hàng online để có khách. Nhờ lượng khách đặt đồ ăn online tăng mạnh, nên doanh thu cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Chị Huỳnh Võ Kim Hải (49 tuổi, chủ một quán ăn trên đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình) cho biết: “Hơn một tháng nay, lượng khách đến quán ăn rất ít, sợ ảnh hưởng đến thu nhập, nên gia đình tôi phải đăng ký bán đồ ăn trên các ứng dụng trực tuyến của Grab, GoViet. Đồng thời đẩy mạnh bán đồ ăn trên các trang mạng xã hội. Bước đầu, việc làm này có hiệu quả rõ rệt, lượng khách đặt đồ ăn qua ứng dụng cũng khá đông, có lẽ đây là giải pháp tốt trong thời dịch Covid-19”.
Anh Trần Nguyễn Công Hậu (27 tuổi, chủ một quán cà phê nhỏ trên đường Trường Chinh, quận 12) chia sẻ: “Vợ chồng tôi mới mở quán nước trong dịp tết vừa qua, nên mọi người chưa biết đến nhiều, còn vắng khách. Lại gặp mùa dịch, ít người ra ngoài hay tụ tập bạn bè. Để có khách, chúng tôi phải thường xuyên pha chế nhiều món đồ uống giải nhiệt rồi chụp hình, quay clip rao bán trên mạng xã hội. Khi có khách đặt, hai vợ chồng tất bật pha chế, thay nhau đi giao nước cho khách để kiếm chút thu nhập chi trả tiền thuê mặt bằng. Mong sao mùa dịch chóng qua”.