Mẹ tôi chẳng đêm nào ngủ ngon giấc cả. Vì trong số hàng ngàn người Việt kẹt ở Nhật có 2 con trai của mẹ. Chưa bao giờ đường trở về nhà đối với những người con xa quê lại trở nên khó khăn đến thế. Dịch bệnh, phía nghiệp đoàn không hỗ trợ vé về như trong hợp đồng đã ký. Ai muốn về, phải bỏ tiền túi mua vé. Cuối năm ngoái, ngay khi mở lại đường bay quốc tế, Út tìm mọi cách để có thể đặt được vé về. Nhưng hết lần này đến lần khác hy vọng được về nhà bị dập tắt.
Người thân của tôi đều vì mưu sinh mà tha phương. Nhiều năm ở xứ người mới nhận ra: Cơm người khổ lắm ai ơi/Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn. Không có vùng đất hứa nào đang chờ đợi như lời của những người môi giới lao động đi xuất khẩu. Làm nông nghiệp không phải trong nhà kính, sạch sẽ và ấm áp; mà cũng đồng ruộng, cũng trồng rau, cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời như ở quê nhà vậy. Những bữa cơm trưa ăn vội vàng giữa đồng có khi nấc nghẹn.
Trên Facebook của Út chẳng có bức ảnh sống ảo nào trong suốt mấy năm đi làm ăn xa. Chỉ thỉnh thoảng thấy khoe mảnh vườn nhỏ sau phòng ở. Những hạt giống quê nhà gửi sang sẽ nảy mầm ở đó. Để bữa cơm nào cũng thấp thoáng hương vị quê nhà, Út trồng thêm thì là, húng quế, kinh giới, tía tô, ngò gai… Út nói nhiều hôm đi làm về mệt, ra hái nắm mồng tơi nấu bát canh mà nhớ ngày xưa quá. Có hôm lên rừng xin được ít măng mang về ngâm tỏi ớt, Út cũng gọi khoe. Trời thì lạnh. Măng thì cay. Ở xứ người ăn bát cơm có khi trào nước mắt. Thỉnh thoảng Út gọi chỉ để bảo: “Thế là em sắp được về nhà”. Nhưng dịch lại bùng phát, ngày về xa hơn. Bà nội ngày càng yếu đi, tuy đã lẩn thẩn nhưng luôn nhớ mình có 2 đứa cháu xa nhà. Thấy ai đến chơi bà cũng hỏi: “Bao giờ 2 đứa nó về?”. Mỗi lần các cháu gọi về là bà lại lau nước mắt: “Chúng mày nhớ về nhanh kẻo bà không đợi được”.
Thôi thì, đông qua xuân đến, mong khó khăn rồi cũng lùi lại phía sau. Con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải có niềm tin. Như tôi tin một ngày gần nhất, dịch bệnh sẽ hết, những chuyến bay sẽ được cất cánh.