3 tháng qua, ông Võ Văn Tráng (49 tuổi, quê Cà Mau) thuê trọ tại số 147 đường Bưng Ông Thoàn, khu phố 2, phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), không thể đi phụ hồ, vì giãn cách xã hội. Trong góc căn phòng trọ khoảng 25m2 của hai vợ chồng còn một ít nhu yếu phẩm được mạnh thường quân và chính quyền địa phương gửi tặng.
“Không lo thiếu đói, nhưng luôn trong tâm trạng lo lắng lấy tiền đâu gửi về quê lo cho con”, ông Tráng chia sẻ và nói thêm: “Cũng may, nhờ có địa phương quan tâm hỗ trợ lương thực và chủ nhà trọ miễn giảm tiền trọ, chứ không vợ chồng tôi không biết sống thế nào. Tôi chỉ mong cho hết dịch để quay lại làm việc, có tiền về quê sum họp với gia đình”.
Sâu bên trong khu trọ, anh Lê Hoài Hận (40 tuổi, quê Đồng Tháp) thợ cơ khí, chôn chân ở nhà hơn 2 tháng qua vì dịch. Anh bày tỏ: “Vợ tôi mới sinh con được 5 ngày. Hôm 27-8, phường đến trao cho 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ của TP và túi an sinh với thêm 200.000 đồng nữa nên mừng lắm. Vợ không có sữa cho con bú, tôi có liên hệ vào số Zalo của khu phố để nhờ mua hộ sữa cho con nhưng chưa được”.
Ông Lý Hùng Dũng, nhóm trưởng khu nhà trọ số 147, cho biết, dãy nhà trọ có trên 111 phòng với hơn 220 người, tất cả đều là lao động tự do, phụ hồ… Từ ngày TP thực hiện giãn cách, nhu yếu phẩm, rau củ quả, gạo mì không sợ thiếu do được phường và mạnh thường quân hỗ trợ.
“Vừa qua, khu trọ chúng tôi rất nhiều hộ đã cạn tiền, nhiều người ốm đau không có tiền đi khám bệnh. Đúng lúc mọi người đang khó khăn thì nhận được khoản tiền của TP, ai cũng mừng. Nếu được hỗ trợ thêm tiền, chúng tôi sẽ yên tâm hơn để ở nhà chống dịch”, ông Dũng cho biết.
Kể về chuyện ngày 27-8, một số người dân trong 2 dãy trọ khu vực cầu Ông Bồn (đường Bưng Ông Thoàn, khu phố 2) kéo ra vòng xoay Liên Phường để phản ứng vì chưa nhận được gói hỗ trợ người lao động tự do thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Ngọc (41 tuổi, quê Đồng Tháp) nói: “Hai tháng nay mẹ con tôi không có việc làm nên không có tiền, tiền để dành cũng hết, chỉ mong chủ trọ cho khất tiền thuê nhà, khi nào hết dịch đi làm được lại trả sau. Nhưng chủ trọ cũng không chịu, nói là không trả tiền sẽ đuổi ra khỏi phòng. Bức bối quá, tôi cùng vài chục người trong khu trọ mới kéo ra đường phản ánh. Nếu no ấm, không bị áp lực thiếu tiền, bà con cũng ở yên cùng Nhà nước chống dịch”.
Trưa 29-8, sau khi cùng đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức và UBND phường Phú Hữu tới thăm hỏi, chia sẻ với bà con tại các khu nhà trọ trên địa bàn khu phố 2, bà Nguyễn Thị Phương Hiệp, Bí thư Đảng ủy phường Phú Hữu, cho biết, khi nhận được thông tin người dân kéo ra đường phản ứng vì chưa nhận được tiền trợ cấp, đồng chí cùng các ban ngành của phường nhanh chóng có mặt, giải thích cặn kẽ, vận động bà con về lại phòng trọ.
“Rất mừng, dù có đôi chút căng thẳng, một số cô bác còn băn khoăn, nhưng chúng tôi kiên trì thuyết phục nên mọi người bình tĩnh quay về phòng trọ”, Bí thư Đảng ủy phường Phú Hữu nói.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Phú Hữu, 5 ngày trước khi xảy ra vụ việc người dân phản ứng kéo ra vòng xoay Liên Phường, nhân viên phường đã hỗ trợ cho 111 phòng trọ nhu yếu phẩm có thể ăn trong vòng 1 tuần.
“Chúng tôi đi từng phòng trọ để tìm hiểu rõ câu chuyện người dân kéo ra đường phản ứng, thì chính những người ở trọ tại đây khẳng định: Phản ứng không phải vì thiếu đồ ăn, nhu yếu phẩm mà là vì mong muốn nhận tiền hỗ trợ. Phường đã kiên trì giải thích với bà con, khi tiền được cấp về, sẽ tới phát tận tay bà con một cách nhanh nhất”, bà Nguyễn Thị Phương Hiệp cho biết thêm.
Hiện người dân nóng lòng muốn nhận tiền hỗ trợ sớm để trang trải và mong muốn được về quê vì nhiều tháng thất nghiệp, không có thu nhập nên đã hành động hơi thái quá. Phường đã vận động chủ nhà trọ cam kết giảm 50% tiền phòng và không đơn phương chấm dứt hợp động thuê trọ đến tháng 9. Về tiền điện, nước, gas và các chi tiêu khác, phường vận động bà con cố gắng vài ngày, phía phường sẽ hỗ trợ những thứ thiết yếu nhất.
Đồng chí Trần Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức, cho biết, từ khi dịch bùng phát, TP Thủ Đức đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, tăng cường phòng chống dịch; chương trình “Thủ Đức nghĩa tình - Vì dân phục vụ” thu hút đông đảo các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân hưởng ứng. Trong đó, nhiều chủ nhà trọ hưởng ứng chương trình “Nhà trọ 0 đồng” đã đồng loạt từ miễn 100% đến giảm 50%-70% tiền thuê trọ cho trên 150.000 công nhân, người lao động đang gặp khó khăn trên địa bàn TP Thủ Đức. Tính đến nay, chương trình đã miễn giảm trên 43 tỷ đồng tiền thuê phòng trọ, đồng thời chính quyền cũng cam kết đảm bảo điều kiện sinh sống cho người lao động giảm thu nhập do dịch bệnh đến ngày 15-9.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thời gian qua vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình công nhân ở trọ tìm cách về quê khi không còn chỗ mưu sinh; nhiều hộ gia đình đã sử dụng hết phần tích lũy nay chỉ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền và các nhóm thiện nguyện, mạnh thường quân nên cũng bất an. Trước thực trạng này, lãnh đạo TP Thủ Đức đã chỉ đạo, yêu cầu địa phương còn thiếu sót, chưa làm tốt phải ngay tức thì khắc phục những hạn chế, nhất là trong việc hỗ trợ người dân, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, tuyệt đối không để bất cứ hộ dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không được khám điều trị bệnh. TP Thủ Đức kêu gọi và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của nhân dân để công tác phòng chống dịch đạt yêu cầu đề ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức: Không vì lợi ích cá nhân gây ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch
Phòng, chống dịch Covid-19 là công cuộc của toàn dân, vì vậy chúng tôi mong bà con cùng chung tay với TP như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là “Mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Trong đó, người dân cần nêu cao trách nhiệm đảm bảo giãn cách xã hội, không để xảy ra lây nhiễm cho mình, cho gia đình và những người xung quanh; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Đồng thời vũ khí phòng chống dịch tốt nhất chính là “5K+vaccine”. Bà con cần nhận thức đầy đủ về quyền được tiêm chủng và vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Không lựa chọn, phân biệt vaccine bởi vaccine được tiêm chủng cho toàn dân đều đã được cấp có thẩm quyền cấp phép. Bên cạnh đó, khi người dân có biểu hiện về sức khỏe thì kịp thời báo cho cấp có thẩm quyền thông qua các đường dây nóng để được tư vấn, hỗ trợ thăm khám, điều trị…
Người dân cũng cần quan tâm, chia sẻ với lực lượng tuyến đầu bằng cách có những việc, những nhu cầu cần thiết thì hãy gọi cho các số điện thoại nóng. Tránh vì lợi ích cá nhân, mong muốn bản thân mà đưa ra những yêu cầu không đúng, làm khó địa phương… dẫn đến những chia sẻ không đúng thực tế trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung của thành phố và cả nước.