Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, mục tiêu và tầm nhìn phát triển đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc.
Dự thảo Quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 10,5 triệu người; tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,5-9,5%/năm; GRDP bình quân/người khoảng 13.500-14.000 USD. Kinh tế số chiếm 40% GRDP. Chỉ số phát triển con người HDI từ 0,86-0,90. Diện tích đất cây xanh bình quân 10-12 m2/người. Tỷ lệ đô thị hóa từ 65-70%...
Quy hoạch đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, đối với giao thông, phát triển đô thị, nông thôn, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc; cải tạo các khu chung cư cũ; bảo tồn, chỉnh trang khu phố cổ, phố cũ nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ phát triển du lịch; khai thác không gian ngầm; xóa bỏ tình trạng dự án chậm triển khai; xây dựng mô hình "phố trong làng" cùng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa đồng bằng Bắc bộ; khai thác tiềm năng sông Hồng…
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.
Cùng với TPHCM, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước; Hà Nội đóng vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Hà Nội phải xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp thẩm quyền, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới đặt ra trong Quy hoạch như trong thành phố có rừng, thành phố trong rừng.
Cần xây dựng tiêu chí cụ thể về văn hóa, dịch vụ, hạ tầng, quy tắc ứng xử công cộng, môi trường… để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch như Hà Nội sẽ trở thành thành phố của hòa bình, xanh, đáng đến và đáng sống.
Phó Thủ tướng mong muốn Quy hoạch sẽ tái hiện được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền. Từ đó, đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trị và trả lại cho các con sông những chức năng như trước đây như là không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.
Hà Nội cũng cần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng văn hóa xã hội quá tải, tỷ lệ cây xanh, mặt nước… trong những năm tới, "nếu không sẽ không thể vươn xa và vươn cao được".
Về chỉnh trang đô thị, Hà Nội cần quy hoạch, sắp xếp lại, trong đó có khu vực trung tâm, khắc phục tình trạng cơ quan hành chính nằm lẫn trong khu dân cư, thương mại, dịch vụ; tránh để phố cổ là phố cũ.
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng là một bộ phận của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, điểm khởi nguồn, kết nối, trải nghiệm và lan tỏa không gian văn hóa sông Hồng, cùng với các địa phương trong vùng, như một câu chuyện về dòng chảy văn hóa, lịch sử, di sản, bản sắc, tư liệu.