Mong muốn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
SGGP
LTS: Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30-6, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có những thông điệp mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm xử lý, ngăn chặn tham nhũng quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và đạt hiệu quả cao hơn, củng cố niềm tin của nhân dân. Trước thông điệp này, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến đồng tình, hưởng ứng. Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến của cán bộ hưu trí, luật sư về vấn đề này.
Thượng tá VÕ VĂN SÔ, nguyên Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Quân dân y miền Đông: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải dựa vào dân
Thời gian qua, công tác Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở nước ta diễn ra mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, để diệt hết “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực là điều không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi công tác PCTNTC phải bền bỉ, kiên trì, lâu dài.
Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và nhiều tỉnh, thành cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC ở địa phương. Điều này tạo nên một bước tiến mới trong công tác PCTNTC từ cơ sở. Để mang lại hiệu quả cao hơn, vai trò người đứng đầu, nhất là Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, rất quan trọng. Người cán bộ phải hội tụ đầy đủ các phẩm chất tốt nhất, không chỉ cả đức lẫn tài mà còn phải nhạy bén nắm bắt tình hình thực tế ở địa phương, cơ sở. Trong đó, người đứng đầu phải sâu sát với thực tế, phải gần dân để lắng nghe dân, hiểu dân hơn.
Giải pháp quan trọng nhất trong công tác PCTNTC là phải dựa vào dân. Dân là gốc, quyết định mọi thành bại. Khi chúng ta lắng nghe dân nói, dân phản ánh thì người dân càng tin tưởng, cung cấp nhiều thông tin cho các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cuộc chiến nào cũng phải dựa vào dân. Công tác PCTNTC là một cuộc chiến diệt “giặc nội xâm” thì càng phải dựa vào dân mới thành công được.
Luật sư HÀ TRỌNG ĐẠI, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Thể hiện rõ quyết tâm chống giặc “nội xâm”
Có thể nói chưa bao giờ công tác PCTNTC được đẩy mạnh như trong 10 năm qua. Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã rất quyết tâm chống giặc “nội xâm” tham nhũng, điều đó được thể hiện bằng những nghị quyết của Đảng, chỉ đạo đặc biệt của Ban Bí thư. Trong 10 năm qua, chúng ta đã sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, trong đó thay đổi một số tội danh đối với hành vi tham nhũng. Việc thay đổi này đưa đến có những khung hình phạt nặng hơn, đủ sức răn đe. Kết quả ra sao thì nhân dân đều thấy, rất nhiều vụ được xử lý có liên quan tới tội phạm tham nhũng, đặc biệt các cá nhân có chức vụ cao, thậm chí là Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy/thành ủy. Điều đó cũng thể hiện chống tham nhũng là không có vùng cấm, phù hợp với ý chí và lòng dân.
Trong công tác PCTNTC 10 năm qua nổi lên vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điều này phù hợp với thể chế là Đảng lãnh đạo. Trong 10 năm qua, Đảng đã thể hiện được sức mạnh của mình. Đây là sự nỗ lực hết mình nhằm ổn định chính trị, kinh tế của đất nước. Giải quyết vấn đề tham nhũng có hai lý do cần phải làm: đảm bảo ổn định về kinh tế và ổn định lòng dân. Đây là hai yếu tố then chốt để đưa đất nước phát triển, và Đảng đã làm được việc này. Thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta cần đẩy mạnh hơn, toàn diện hơn công tác PCTNTC. Nếu như trước những năm 2010, những Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng gần như không bị xử lý hình sự, thì 10 năm trở lại đây chúng ta làm được việc đó. Điều đó thể hiện sự kiên quyết trong công tác PCTNTC. Theo chỉ đạo, mỗi tỉnh có Ban Chỉ đạo PCTNTC, và tôi cho rằng đây là quyết tâm chống tham nhũng từ cơ sở cho đến Trung ương.
Ông TRẦN QUANG TUẤN, Bí thư Chi bộ khu phố 6, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM: Giải quyết tới cùng những tố cáo, phản ánh của người dân
Hội nghị tổng kết 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC diễn ra vào thời điểm công cuộc phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo quyết liệt và đang đến bước cao trào.
Từ những tâm tư ban đầu của người dân về mục tiêu “không có vùng cấm, không có điểm dừng…”, đến nay đã thực sự tạo niềm tin vững chắc trong dư luận xã hội, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm cao độ từ người đứng đầu Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, các cơ quan chức năng liên quan của bộ máy chính quyền nhà nước. Rõ ràng, từ quyết tâm, ý chí, sự chuẩn mực giữa “nói và làm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lan tỏa đến mọi con tim yêu thương đất nước này, mong muốn một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, giàu đẹp.
Để người dân và toàn xã hội có thể tham gia, đóng góp sức mình trong công cuộc này, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết, giải quyết tới cùng những tố cáo, phản ánh dù là rất nhỏ của người dân, cán bộ, đảng viên thì sự ra đời của Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở cũng rất cần thiết. Bởi đây sẽ là cơ sở, là căn cứ, tiền đề để nhân dân tham gia đóng góp, phản biện xã hội, xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Ở đó, “bộ 3 nòng cốt ở cơ sở” là Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận, trưởng ấp phải đi đầu, định hướng chuyển tải, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của người dân.