Ngày còn trẻ, mẹ đã rất gầy. Nhiều cô bác nói, do mẹ phải cấy hái, gánh gồng từ bé nên mẹ không lớn được, rồi mẹ được ví là cánh cò. Con từng tự hỏi, tại sao lại là cánh cò, có phải là hình ảnh cánh cò trong câu thơ: Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông không hả mẹ?
Con từng thấy nhiều người ví von những người con gái xinh xắn với hình ảnh con hạc trong câu: “Mình hạc sương mai”, còn mẹ, dù mẹ không phải là người xấu xí, nhưng thân mẹ phải dãi nắng dầm sương nên mẹ là một cánh cò.
Cánh cò bay lả bay la không chỉ trong những câu ca mẹ cất lên dỗ dành con những đêm nóng nực khiến con khó ngủ, mẹ là cánh cò đưa lối con đi trên con đường làng những ngày thơ bé, rồi đến trường trong những buổi đầu nước mắt như mưa.
Mẹ từng bảo con: “Đi học không có gì là khó, đi làm như mẹ mới khó. Con cố gắng học để sau này không phải vất vả như mẹ, có kiến thức thì người ta sẽ trọng dụng hơn...” và thế là cánh cò ấy không chỉ cấy hái trên cánh đồng nắng lửa, giờ đây lại thêm việc chở ít rau củ ra chợ bán kiếm thêm chút ít cho con đến trường, tìm đến tương lai.
“Bỏ học để làm việc là con đường ngắn, học tập là lo đường dài. Dẫu bây giờ chưa thấy rõ tương lai, nhưng cứ học, cứ đi rồi sẽ thấy”, những lời của mẹ dành cho con trong một ngày mưa dông, đến nay con còn nhớ mãi. Con sẽ luôn nhắc nhở mình cho những chặng đường con qua, để khó khăn cũng không thể khiến con lùi bước.
Mẹ của con rất gầy, thân hình nhỏ nhắn xương xương mà khi mua quần áo ngoài chợ về toàn phải sửa cho nhỏ lại. Nhiều cô bác hàng xóm vẫn thường trêu chọc mẹ: “Đúng là thân cò!”. Những lúc ấy, mẹ chỉ cười hiền mà không nói gì. Các bác ấy nói đúng, thân cò một đời lặn lội sớm hôm thì làm sao mập lên được, nhất là khi mẹ còn nhiều nỗi lo toan không thể nói thành lời.
Nhiều lúc thấy mẹ đi làm về mướt mát mồ hôi, con chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong và thầm cầu mong cho cánh cò mẹ của con luôn vững chãi, không ốm đau nặng như nhiều người gặp phải. Con thương mẹ, cánh cò yêu thương.
Những năm tháng vất vả ngược xuôi khiến đôi chân mẹ to và thô kệch. Mỗi khi mẹ đi mua dép, thường khó chọn cho mình một đôi vừa chân. Giữa muôn vàn đôi dép đẹp xinh, mẹ muốn lựa chọn cho mình một đôi mà cũng không được. Và rồi thành quen, mỗi khi mẹ ghé vào hàng dép là cô chủ sạp liền mang ra những đôi to nhất cho mẹ thử.
Nhìn đôi chân mẹ to sần, nứt nẻ, con yêu làm sao và cũng thấy chua xót làm sao. Đấy là những dấu vết của một thời gian dài ngâm mình trong nước những mùa cấy lúa, trồng rau và gánh gồng vất vả. Nó gợi nhớ con về tình yêu bao la của mẹ và thúc giục con vững bước, để mẹ con thôi là một cánh cò lặn lội sớm khuya...
Bây giờ đây, khi con học xong và đã tạm ổn định với một công việc, tuy con chưa thể chăm lo cho mẹ, nhưng mẹ cũng đỡ vất vả khi không phải hàng tháng lo tiền gửi cho con. Nhưng mẹ vẫn không hề bớt đi công việc, dù chị em con đã góp ý nhiều lần. Mẹ vẫn ra đồng với những mùa cấy hái, trồng khoai, gieo trồng rau củ. Có lẽ không được làm việc mới là nỗi buồn của mẹ, các con đi xa, mẹ lấy đó làm vui.
Mẹ cũng trồng được một ít cây trái, đến mùa không bán mà đem chia cho bà con hàng xóm. Những lúc nhớ chúng con nơi xa, mẹ lấy đó làm niềm an ủi, rồi mẹ lại nuôi thêm con gà, con chó bầu bạn, để nỗi nhớ dần vơi đi. Trong lúc xế chiều, có lẽ mẹ rất cần những điều như thế...
Chúng con đã hiểu và không ngăn mẹ nữa, chúng con vui nhưng mong mẹ đừng vất vả quá, mẹ ơi. Con thương mẹ, cánh cò của con một thuở. Cánh cò không bay ra từ những câu ca hay từ miền cổ tích, cánh cò này bay ra từ trong thực tế đời con.
Thương lắm thân hình xương xương mộc mạc của mẹ, bàn tay chai sạn và đôi chân to hằn. Con mong rồi đây, mẹ sẽ thôi gắn với hình ảnh cánh cò!
HOÀNG LINH CHI