"Cuộc chơi" ngày càng phong phú
Với hơn 30 năm cầm máy, NSNA Trần Thế Phong cho biết hiện nay phong trào nhiếp ảnh đang có nhiều sự phát triển. Nhất là khi máy móc, công nghệ quay chụp phát triển mạnh từ lặn dưới nước sâu đến bay trên bầu trời… càng tạo điều kiện cho các tay máy thoả sức sáng tạo. Các tay máy mong muốn có nhiều sân chơi chuyên nghiệp để thể hiện mình.
Là gương mặt rất trẻ trong giới nhiếp ảnh, Ngô Đoàn Quốc Thắng (sinh năm 2002) cho rằng giới trẻ đã được tiếp cận một cách mật thiết với nhiếp ảnh, nó gần như xuất hiện hàng ngày trong đời sống của người trẻ. “Những bức ảnh ghi lại các khoảnh khắc gần gũi, được chụp bằng điện thoại hay các loại máy ảnh với mức giá phù hợp với học sinh, sinh viên. Tôi nhận ra mức độ phủ sóng của nhiếp ảnh len lỏi nhiều hơn vào cuộc sống. Bản thân những người trẻ cũng được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, nắm bắt xu hướng nhanh hơn. Nhiều nền tảng mạng xã hội cũng tạo điều kiện để lĩnh vực nhiếp ảnh ngày càng được lan tỏa và tác phẩm dễ tiếp cận hơn”, Quốc Thắng bày tỏ.
Còn Travel Blogger Vinh Gấu nhìn nhận nhiếp ảnh thật gần gũi, việc các bạn trẻ thích check-in tại các điểm du lịch cũng là một cách thể hiện họ thích chụp ảnh. Anh chia sẻ: “Hiện nay nhiều người trẻ có xu hướng đầu tư các thiết bị chụp hình thay vì chụp bằng điện thoại, dù chưa phải là thiết bị quá chuyên nghiệp. Bạn trẻ đang thay đổi, bắt đầu tập trung vào chất lượng hình ảnh, màu ảnh, chuyển dần sang chụp bằng máy ảnh. Xu hướng này đang lớn dần".
Khi phong trào nhiếp ảnh lan toả mạnh mẽ cũng là lúc lĩnh vực này cần những sân chơi quy mô, bài bản, chuyên nghiệp để các tay máy thử sức và thúc đẩy nghệ thuật nhiếp ảnh phát triển. Nhà báo - NSNA Vũ Hải Sơn khẳng định: Cần có những cuộc thi nhiếp ảnh được tổ chức rộng khắp từ cấp địa phương đến Trung ương, thu hút các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên tham gia, làm cho phong trào chụp ảnh, sáng tác ảnh nghệ thuật phát triển mạnh mẽ.
Nhà báo - NSNA Vũ Hải Sơn nhìn nhận: “Công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ và hoàn hảo, các loại máy ảnh hiện đại ra đời giúp cho việc chụp ảnh trở nên thuận tiện hơn, chất lượng ảnh tốt hơn. Vì thế người người chụp ảnh, nhà nhà chụp ảnh thúc đẩy phong trào nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng. Nhưng rất tiếc là nhiếp ảnh chưa phát triển theo chiều sâu”. Theo NSNA Vũ Hải Sơn, nhiếp ảnh đang thiếu và cần những tác phẩm để đời, làm lay động lòng người như bức ảnh “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” hay bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại" của cố Nhà báo Lâm Hồng Long; bộ ảnh "Suối tóc" của cố NSNA Phạm Văn Mùi...
Cần sự chuyên nghiệp, công tâm và minh bạch
NSNA Khánh Phan cho rằng, ở Việt Nam ngoài các cuộc thi truyền thống cũng cần thêm những sân chơi rộng hơn cho những người yêu ảnh tham gia. Cùng với sự phát triển của công nghệ, đòi hỏi trình độ chuyên môn của giám khảo cần cao hơn, kỹ lưỡng hơn, bắt kịp xu thế của thời đại, từ đó phát triển thêm những thể loại ảnh mới...
Đam mê xê dịch nên Travel Blogger Vinh Gấu mong muốn có những cuộc thi hoặc những hạng mục riêng dành cho ảnh chuyên về du lịch. Theo anh, trước nay các cuộc thi nhiếp ảnh đa phần thu hút những người chuyên chụp ảnh để thi thố. Điều này hoàn toàn khác với những người thích đi du lịch vừa thích chụp hình. “Tôi thấy hạng mục này hiện chưa được chú trọng nên chưa có nhiều sân chơi lớn dành cho những người giống như mình – những người không phải NSNA chuyên nghiệp nhưng có đam mê chụp hình và kể những câu chuyện riêng biệt trong từng bức ảnh", Blogger này chia sẻ.
NSNA Khánh Phan: Tôi đã được trải nghiệm nhiều sân chơi nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, từng tham gia nhiều hội nhóm và các cuộc thi ảnh, giành nhiều giải thưởng và huy chương. Tính công bằng và chủ đề sáng tạo sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho một cuộc thi ảnh. Mỗi sân chơi nhiếp ảnh đều có những kinh nghiệm và bài học nhất định đối với NSNA.
Một cuộc thi ảnh với chủ đề hay và giải thưởng hấp dẫn sẽ kích thích các NSNA tìm tòi, sáng tạo và quyết tâm săn lùng khoảnh khắc. Từ các cuộc thi ảnh, các NSNA cũng có thêm cơ hội để thể hiện màu sắc cá nhân của mình qua các tác phẩm dự thi và được chiêm ngưỡng những góc nhìn khác của đồng nghiệp.
Là một người trẻ từng tham gia nhiều cuộc thi, Ngô Đoàn Quốc Thắng cho rằng cuộc thi cần có nhiều chủ đề để người thi sáng tạo ra nhiều tác phẩm theo thế mạnh của mình. Đồng thời, Ban giám khảo cần là những NSNA nổi tiếng và có độ uy tín cao. Khi đó độ tin cậy của cuộc thi sẽ tăng cao.
Nhà báo Bùi An mong mỏi: Một cuộc thi nhiếp ảnh phải có tính chuyên môn cao, ảnh đẹp và người tham dự chuyên nghiệp. Điều quan trọng nhất là những người cầm cân nảy mực phải có trình độ tốt để có thể thẩm định được chất lượng hình ảnh. Không ít kết quả của các cuộc thi ảnh gây nhiều tranh cãi, dĩ nhiên không thể tránh tình trạng 9 người 10 ý. Tuy nhiên, nếu Ban giám khảo có được chuyên môn cao, có danh tiếng, uy tín trong cộng đồng thì kết quả sẽ thuyết phục hơn, tự khắc giới mộ điệu sẽ có nhìn nhận tốt về cuộc thi.
Có một điểm chung mà tất cả các tay máy đều mong chờ ở các cuộc thi ảnh đều tựu trung lại trong 3 "từ khoá": chuyên nghiệp, công tâm và minh bạch.
NSNA Trần Thế Phong cho biết điều quan trọng đầu tiên là có thể lệ chặt chẽ và tất cả mọi người phải tuyệt đối tuân thủ. Thứ hai, ban tổ chức phải rất kỹ càng, chuyên nghiệp. Cuối cùng, hội đồng giám khảo phải bám sát đúng chủ đề, thể lệ cuộc thi đề ra và chấm một cách công tâm, minh bạch. “Những tác giả dự thi sẽ luôn mong muốn sân chơi trong sáng, công bằng. Một cuộc thi có chất, có tầm sẽ ‘hữu xạ tự nhiên hương’, thu hút sự tham gia đông đảo”, NSNA Trần Thế Phong nhấn mạnh.
Tính chân – thiện – mỹ luôn được công chúng quan tâm
Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật thị giác, phản ánh trực quan nhất, chân thật nhất đời sống xã hội. Điều tôi mong mỏi lớn nhất ở các cuộc thi nhiếp ảnh là BGK chọn được những bức ảnh đẹp, độc đáo, mới lạ, có nội dung sâu sắc.
Công chúng và những người yêu nhiếp ảnh luôn mong muốn được thưởng thức những bức ảnh chân thực, gần gũi với đời sống xã hội, có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, có nội dung sâu sắc. Tính Chân - Thiện - Mỹ trong nhiếp ảnh luôn được công chúng quan tâm thưởng thức như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hiện đại.
Nhà báo - NSNA Vũ Hải Sơn