Tuy nhiên, qua tìm hiểu dự thảo và xét tình hình thực tế, có thể nhận thấy, để đáp ứng được các điều kiện này rất khó vì danh mục thuốc, vật tư y tế tiêu hao tại các bệnh viện ở các hạng khác nhau sẽ có danh mục khác nhau và một số chuyên khoa rất ít bệnh viện có nếu theo quy định này thì sẽ khó thực hiện.
Dự thảo thông tư nêu rõ, bệnh nhân có chỉ định của bác sĩ về thuốc, vật tư tiêu hao mà bệnh viện không đủ cung cấp cho người bệnh vì một tình huống khách quan buộc phải mua từ nhà thuốc của bệnh viện hoặc tại các đơn vị cung ứng sẽ được cơ quan BHXH chi trả lại. Cụ thể, điểm b, khoản 1, điều 3 của dự thảo thông tư quy định: Đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế tiêu hao phải đáp ứng đủ các điều kiện đã trúng thầu với bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với BHYT; thuốc, vật tư y tế đã được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đơn vị cung ứng trúng thầu; hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực...
Có thể dễ dàng nhận thấy, việc chi trả này đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT vì thực tế qua công tác đấu thầu không phải lúc nào các cơ sở y tế cũng đạt được lựa chọn đầy đủ như mong muốn, cũng như do ảnh hưởng của nhiều vấn đề khách quan: không có nhà thầu nào tham dự, hàng hóa bị đứt nguồn cung do ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, chiến tranh như thời gian qua… Cho dù thông tư trên có được thực thi thì thủ tục vẫn còn rất phức tạp, rắc rối để được cơ quan BHXH thanh toán chi phí mua thuốc men, vật tư y tế bên ngoài.
Thuốc, vật tư y tế trong bệnh viện còn dễ dàng kiểm soát về mặt chất lượng, điều kiện bảo quản và nếu có lỗi hay hư hao thì có thể kiểm soát, giải quyết dứt điểm; còn nếu để bệnh nhân tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài sẽ phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến chất lượng. Bên cạnh đó, không phải bệnh nhân nào cũng có thể tự đi mua thuốc hay vật tư y tế. Có những bệnh nhân khỏe mạnh, nhưng cũng có những bệnh nhân nặng, khó khăn trong việc đi lại, không có người thân ở cạnh thường xuyên... việc thực hiện nghĩa vụ “tự” mua sắm thiết bị y tế phục vụ cho mình là rất khó. Thậm chí, những người có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền tạm ứng trước những chi phí sẽ lại thêm gánh nặng bội phần.
Việc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT nếu được thực hiện cũng chỉ là phương án giải quyết trong tình huống cấp bách nhưng không phải giải pháp mang tính lâu dài. Cần giải quyết càng sớm càng tốt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh càng sớm càng tốt. Về lâu dài, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực từ 1-1-2024 kỳ vọng sẽ có những thay đổi giải quyết các vấn đề khó khăn và cho phép được chỉ định thầu trong tình huống cấp bách nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể, điểm c khoản 1 điều 23 của Luật Đấu thầu nêu rõ: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.
Và, để luật được đi vào thực tiễn đáp ứng cho công tác khám chữa bệnh hiện nay, rất cần các bộ ngành trung ương liên quan nhanh chóng ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn, khi đó bác sĩ sẽ yên tâm công tác và bệnh nhân vơi bớt gánh nặng điều trị.