Cái ngày xưa ấy bên cái chái bếp đơn sơ mộc mạc, hình ảnh sáng sớm những ngày cận tết, bố mẹ đã thức dậy tự bao giờ, bên ánh lửa bập bùng ấm cùng mùi tết tỏa ra từ căn bếp đầy khói muội thời gian ấy khiến cho lòng những đứa trẻ của cái độ tuổi lên mười như mấy chị em tôi khấp khởi mừng rơn. Bước vào cửa bếp hòa vào tiếng rì rầm của bố mẹ là tiếng củi tí tách như chào đón những thành viên tò mò như tôi chút nữa chẳng giúp được gì mẹ nhiều nhưng miệng thì liên tục hỏi cái này, sờ cái kia. Bố đang chuẩn bị nguyên liệu nấu nồi thịt kho đông, trong xoong bố chuẩn bị một góc là thịt chân giò, một góc thịt ba chỉ cùng những miếng bì lợn mà trước đó tôi biết chắc mẹ chính là người tỉ mẩn ngồi nhổ từng sợi lông nhỏ, thái đều đẹp mắt, để nồi thịt thêm “to” bố còn điểm xuyến chút thịt của con gà trống cựa mẹ dành tận nửa năm đã được bố chặt ướp gia vị để chút nấu cho đằm, bên cạnh mẹ hì hụi thái những sợi mộc nhĩ, điểm vài cánh nấm hương đã ngậm đủ nước ánh lên cái vẻ bóng bẩy màu nâu đen như những bông hoa nở vào sáng sớm đón chào mùa xuân của năm mới.
Bố mẹ chưa nấu mà tôi đã nghe mùi thơm nức mũi của nồi thịt kho đông với cơ man nào là nguyên liệu. Món ăn không thể thiếu trong gian bếp nhà tôi những ngày xuân về như ướp thêm hương hoa cho mâm cơm ngày tết thêm tròn đầy, ấm cúng.
Khi mọi nguyên liệu chuẩn bị cho nồi thịt đông gần như đã hoàn tất, bố bắc chiếc nồi nhôm dày thương hiệu Hải Phòng lên bếp. Bố trút toàn bộ nguyên liệu vào nồi, xào qua cho thịt ngấm gia vị rồi bố cho nước vừa đủ săm sắp mặt thịt, đun đến khi nồi thịt sôi sùng sục. Bố rút bớt củi để lửa cháy liu riu, cho nồi thịt sôi đều, ninh nồi thịt đến khi ngửi thấy mùi thơm ngậy của thịt lợn, những miếng bì lợn ra nhựa hòa vào mùi thơm dịu của những miếng thịt gà được bao phủ bởi lớp da vàng tươi óng ả. Lúc này mẹ mới cho mộc nhĩ, nấm hương vào nồi ninh tiếp. Nhìn nồi nước thịt chuyển sang màu nâu vàng, sóng sánh lớp mỡ nổi trên bề mặt. Với kinh nghiệm bao năm nấu thịt đông, chỉ cần ngửi mùi, bố đã biết nồi thịt đạt đến độ nhừ đúng điệu. Mùi thơm lừng béo ngậy của nồi thịt lan tỏa, mùi của hạt tiêu bắc mẹ vừa rắc vào, mùi thanh tao giòn sần sật của những cánh hoa mộc nhĩ hòa cùng mùi khói cay cay nơi khóe mắt của ánh lửa bập bùng. Chỉ chút nữa thôi, nồi thịt được bố nhấc khỏi bếp.
Chiếc “tủ lạnh” của mùa đông sẽ dần dần ướp cho nồi thịt đông của bố thêm đặc sánh, bao quanh những miếng thịt là một lớp thạch mỏng màu cánh gián, trên bề mặt của nồi thịt được bao bọc bởi lớp mỡ tuyết trắng mịn màng. Khắp không gian căn bếp được thưng bằng gỗ, chốc chốc, từng cơn gió mùa luồn lách vào những khe gỗ của bếp cũng như muốn reo ca cùng vị tết từ nồi thịt ấm nồng, mang hương vị tết từ nồi thịt kho đông của gia đình tôi hòa khắp không gian. Đó phải chăng là hương thơm của mùa xuân, của ngày tết đoàn viên hay hơi ấm tình yêu thương của bố mẹ dành cho những đứa con của mình một cái tết đủ đầy nhất?
Tuổi thơ tôi lớn lên cũng với chính những mùa xuân cùng cái vị tết thơm nồng, tròn đầy bên nồi thịt kho đông với hình ảnh của bố. Hình bóng người đi xa luôn khắc sâu trong tâm trí của người ở lại những ký ức sóng sánh ánh vàng chẳng thể phai mờ. Tôi luôn nhớ trong gian bếp đơn sơ ấm áp hương vị tình thân ấy có cái bóng vững chắc bao mùa sương gió lo cho lũ con thơ. Để mỗi khi mùa xuân về nơi hiên nhà, chái bếp của gia đình tôi có hình bóng bố, mấy chị em như cảm nhận một cái gì đó thật bình yên, vững chãi. Và giờ đây, mỗi khi mùa xuân chao nghiêng trước ngõ, trong gian bếp nhỏ của mẹ vẫn tỏa hương mùi thịt kho đông ấm nồng hạnh phúc khi xưa. Mùi thịt thấm đẫm hương vị hoài niệm những ngày tết đến. Khiến lòng những đứa con đã xa bố gần mười lăm năm mùa xuân có gì đó rưng rưng trong tâm khảm, thương hoài, thương mãi những mùa xuân đã qua.
PHẠM THỊ YẾN
Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La