Nhà văn Ngọc Giao (1911-1997) là tên tuổi lớn của văn chương nước nhà, mà theo đánh giá của GS Phong Lê, chỉ riêng 3 tập truyện Một đêm vui, Phấn hương, Cô gái làng Sơn Hạ (xuất bản trước năm 1954) cũng đủ để đưa Ngọc Giao vào những tác giả truyện ngắn thành danh như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Bùi Hiển, Tô Hoài… Ngoài mảng sáng tác cho người lớn, ông còn thành công với thiếu nhi qua những tác phẩm tiêu biểu như Hiền, Máu chảy một dòng, Úm ba la - Hang Thuồng luồng. Mới đây, với sự nỗ lực của con trai Nguyễn Tuấn Khanh và NXB Kim Đồng, tập truyện ngắn Những hình bóng cũ của nhà văn Ngọc Giao vừa ra mắt trong tủ sách “Tác phẩm văn học chọn lọc”.
Tác phẩm gồm 16 truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Ngọc Giao viết cho thiếu nhi; trong đó có truyện ngắn về lịch sử dã sử (Cậu bé đánh giặc Cờ Đen, Tiểu anh hùng), truyện đồng thoại về thiên nhiên hoang dã (Con rắn trắng, Hang Thuồng luồng, Quyển sách bí mật và con khỉ) hay về hiện thực sinh hoạt (Những ngày thơ ấu, Một chuyện của lòng, Những hình bóng cũ…). Những truyện ngắn của nhà văn Ngọc Giao mang đến bạn đọc nhỏ tuổi những bài học về lòng vị tha, hiếu thảo, yêu nước, yêu động vật, dũng cảm…
Nhắc đến nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) là nhớ đến thi phẩm Tây Tiến. Ngoài ra, ông còn có nhiều bài thơ được phổ nhạc nổi danh không kém như: Mắt người Sơn Tây, Ta mãi là mùa xanh xưa, Em mãi là hai mươi tuổi… Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Quang Dũng đến nay còn được biết đến với nhiều tác phẩm văn xuôi, gồm: Mùa hoa gạo, Đường lên châu Thuận, Rừng về xuôi, Nhà đồi… nhưng hồi ký Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt) là tác phẩm hoàn toàn mới lạ đối với độc giả.
Tập hồi ký được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành vào năm 1952 ở Cổ Thành, từng được gia đình trích dẫn một chương vào Tuyển tập văn thơ Quang Dũng. Mãi cho đến gần đây, hướng đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Quang Dũng, thông qua NXB Kim Đồng, gia đình đã quyết định công bố trọn vẹn tập hồi ký này. Qua hồi ký, độc giả được biết thêm về một chân dung khác của nhà thơ Quang Dũng trong thời gian tham gia Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt. Bên cạnh đó, độc giả còn biết thêm nhiều điều cụ thể về hoạt động của binh đoàn khi ấy, cũng như về các chiến sĩ Việt - Lào, những người cầm súng và cả những người cầm kèn trong Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt, cùng tham gia vào sứ mạng giải phóng đất nước mình và nước bạn khỏi ách thực dân xâm lược.
Chùa Hương là một trong những thi phẩm đẹp nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, nhất là khi được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát Em đi chùa Hương, bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) trở thành dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Có lẽ, đó cũng chính là lý do nhiều người mặc định Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ. Nhưng trên thực tế, ông còn là người viết truyện ngắn, sáng tác các vở kịch nói, bài phê bình văn học bằng tiếng Pháp. Tác phẩm Hoa một mùa (NXB Phụ Nữ) là minh chứng cho điều này. Tất cả những sáng tác này được Nguyễn Nhược Pháp thực hiện ở lứa tuổi 20, bởi lẽ, năm 24 tuổi, ông đã vĩnh biệt cõi trần vì bệnh lao.
Tuyển tập do Nguyễn Lân Bình biên soạn, tập hợp toàn bộ các sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch và phê bình văn học bằng tiếng Pháp của Nguyễn Nhược Pháp. Theo người biên soạn, trong các vở kịch và truyện ngắn của Nguyễn Nhược Pháp, độc giả sẽ nhận thấy phảng phất những nỗi buồn gắn liền với một tâm hồn lãng mạn.
Trước đó nữa, với việc tái bản 2 cuốn tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội và Thuốc mê, cũng được xem là một bất ngờ với độc giả. Bởi lẽ, với độc giả ngày nay, nhiều người vẫn biết đến nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950) nổi danh với bài thơ Tống biệt hành; thực tế, ông còn là cây bút văn xuôi mà tiểu thuyết Thuốc mê là một ví dụ. Tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám, tái hiện không gian văn hóa, tập tục một thời của đất nước. Tương tự Thâm Tâm, Nguyễn Bính (1918-1966) được biết nhiều hơn với danh xưng “thi sĩ đồng quê” qua rất nhiều thi phẩm về làng quê, mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Tuy nhiên, với tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội, ông không khỏi khiến độc giả bất ngờ với mảng văn xuôi của mình. Tác phẩm mang đến chân dung của những người trẻ Hà thành khi đó, thông qua những lựa chọn trong tình yêu, cuộc sống.
Cả Thâm Tâm và Nguyễn Bính đều là hai nhà thơ nổi tiếng giai đoạn 1930-1945. Thực tế, 2 tác phẩm trên không làm nên sự nghiệp cho Nguyễn Bính và Thâm Tâm, nhưng với việc hồi sinh 2 tác phẩm này, giúp độc giả ngày nay có thêm cái nhìn mới mẻ về tài năng cũng như con người của 2 thi sĩ lừng danh một thời.