Món nợ ân tình dành cho quê hương

Một trang đời mở ra (NXB Trẻ) là tập bút ký của nhà văn Phan Trung Nghĩa, tiếp nối mạch nguồn tình cảm dành cho miền Tây sau những truyện ký và bút ký được yêu thích trước đó như Hương cau, Đạo gác cu miệt vườn, Khách thương hồ 1-2, Bạc Liêu trong mắt tôi, Chân quê rơm rạ…

Khi đã ở một độ tuổi nhất định, lẽ thường, người ta sẽ mang trong lòng tâm lý “hồi cố quận”, là khi “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” như câu thơ của Thôi Hiệu. Đó dường như là tâm lý chung của nhiều người, và Phan Trung Nghĩa cũng vậy. Sau bao ngày tháng phiêu bạt của một người trót mang nghiệp chữ nghĩa thì anh nhận ra: “Nợ áo cơm, nợ đời thường thì ta có thể giải quyết trong một thời gian tâm huyết. Nhưng có những món nợ thuộc về con cá ngọn rau, nợ ân tình, nhân nghĩa cuộc đời, nợ quê hương rút ruột xây đắp tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho ta có khi nhìn còn chưa thấu đạt chứ đừng nói trả bao nhiêu cho đủ”.

CN3c.jpg

Ở tuổi 58, nhà văn Phan Trung Nghĩa quyết định về hưu sớm chỉ để xử lý món nợ “con cá ngọn rau”. Anh chọn quay về nơi mình đã từ đó ra đi bởi như người ta nói, mỗi nhà văn đều có một mảnh đất để viết. “Với tôi, đâu có mảnh đất nào bao dung nhân hậu cho bằng nơi chốn mẹ sinh ra ta. Đó là mảnh đất đủ sức huy động quá khứ gợi mở cho người viết và nó đặt anh ta vào tư cách đứa con quê”, nhà văn Phan Trung Nghĩa đã bộc bạch như vậy. Và quả thực, với bút ký Một trang đời mở ra, anh đã viết, đã dốc cạn lòng mình trong tư cách của “đứa con quê” dành cho mảnh đất Bạc Liêu đầy ân tình.

Ở lời đầu sách, nhà văn Phan Trung Nghĩa có “rào đón” rằng, đây không phải là một quyển sách lịch sử Bạc Liêu mà là một bút ký văn học ghi lại những cảm nhận về vùng đất Bạc Liêu của người viết. Thế nhưng, đọc Một trang đời mở ra, điều mà bạn đọc cảm nhận được còn lớn hơn thế. Bởi ở đó, Phan Trung Nghĩa đã chăm chút cho những trang viết của mình bằng ký ức, kỷ niệm của một đời người cùng những tài liệu mà anh phải nghiền ngẫm trong thời gian dài.

Cuốn sách được chia thành 5 chương tương ứng với các tên gọi: Hồi cố quận, Tượng đài cho tiền nhân, Phận người trong chiến tranh, Hòa bình Bạc Liêu đi lên từ văn hóa. Dù tác giả không chủ đích tái hiện lịch sử Bạc Liêu nhưng trong dòng hồi tưởng của mình, cụ thể hơn là trong hành trình đi tìm gốc tích của dòng họ Phan mà cả một thời kỳ lịch sử khẩn hoang nơi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được tái hiện trên những trang sách.

Các chương sách giống như hành trình khám phá theo tuần tự thời gian về một vùng đất mà ở đó, bạn đọc thấy được từ những ngày đầu khẩn hoang, những người nông dân Hậu Giang - Bạc Liêu đã sống, đã làm lụng và chịu ách áp bức, cơ cực của chế độ thực dân… Khi chiến tranh xảy ra liên miên, họ cũng đã phải hứng chịu biết bao đau thương, ly tán, mất mát… trước khi có được hòa bình và phát triển như ngày nay.

Một trang đời mở ra được nhà văn Phan Trung Nghĩa hoàn thành sau 3 năm “vật lộn” với chữ nghĩa. Khép lại cuốn sách 400 trang, có thể nói rằng, với tập bút ký này, anh có thể thở phào và mừng vui khi đã phần nào hoàn thành tâm nguyện. Còn bạn đọc cũng có thể mừng vui trước một món quà đầy ắp nghĩa tình, để hiểu và thương quý một vùng đất đầy thăng trầm giống như bao làng quê nước Việt.

Tin cùng chuyên mục