Món kim chi "chờ chồng"

Tuy chưa từng một lần đến xứ sở của kim chi nhưng chị làm món này đặc biệt ngon. Chị nói kim chi có nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng có vẻ rất hợp ăn kèm với những món Tết của Việt Nam. Chính vì vậy, tết năm nào chị cũng làm rồi đem cho mỗi nhà một ít.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Chị thích món kim chi còn bởi một lẽ khác nữa. Hồi năm 1998, vợ chồng chị mới cưới nhau chưa được bao lâu thì anh có giấy gọi đi xuất khẩu lao động. Vì kinh tế và cuộc sống tương lai sau này đỡ khó khăn hơn, chị chấp nhận xa chồng, ở lại một mình với đứa con vừa tượng hình trong bụng.

Anh viết thư kể rất nhiều chuyện về cuộc sống nơi đất nước xa lạ, về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, chỉ mong nhanh hết thời hạn hợp đồng để được trở về đoàn tụ với vợ con. Thi thoảng anh than thở đồ ăn không hợp khẩu vị lắm, duy chỉ có món kim chi là anh thích.

fb-img-1706865980517-8767.jpg

"Kim chi", cái tên khiến chị tò mò, giống tên một loài hoa hay một người con gái hơn là một món ăn. Hồi đó chưa có điện thoại thông minh, internet chưa phổ biến như bây giờ nên chị chẳng thể lên mạng để tìm hiểu về nó được.

Rồi một ngày có người bạn của chị cũng đã từng sống ở Hàn mấy năm đến nhà chơi. Sau một hồi chuyện trò chị chợt nhớ ra và hỏi bạn về kim chi. Thật may, bạn chị cũng là một "tín đồ" nên hồi ở bên đó đã nghiên cứu về món này rất kỹ.

Từ đó chị bắt đầu mày mò làm, sau vài ba lần không ưng ý lắm thì cuối cùng cũng thành công, đến độ người bạn chị sau khi nếm thử đã thốt lên:"y chang kim chi Hàn Quốc". Chị vui lắm, nghĩ rằng đến ngày anh về, chị sẽ dành cho anh một sự bất ngờ.

Nhưng rồi hết hạn hợp đồng ba năm anh không về. Anh nói anh đã trốn ra ngoài làm tự do thêm vài năm cho lưng vốn khá hơn một chút. Qua 5 năm, rồi 10 năm nữa... anh vẫn muốn ở thêm. Đứa con đã lớn mà chưa một lần được gặp cha. Tuổi xuân của chị vèo trôi trong sự cô đơn mòn mỏi đợi chờ.

Rồi anh chẳng hứa ngày nào sẽ về nữa dù vẫn liên lạc đều đều. Chị làm kim chi, trình bày kỳ công rồi chụp ảnh, quay video gửi cho anh như một lời nhắn nhủ. Anh xem chỉ ậm à, khen lấy lệ rồi im lặng. Biết trong tình cảm của anh đã có sự đổi thay nhưng chị vẫn không nguôi hy vọng...

fb-img-1706865842786-1290.jpg

Hồi mấy năm trước, tôi ghé qua, thấy chị đang vật lộn với đám cải thảo cùng cơ man các loại gia vị để làm kim chi bán tết, tôi thuận miệng nói: "Chị cứ ôm đồm vất vả thế làm gì, cuộc sống cũng có phải khó khăn thiếu thốn gì nữa đâu...". Chị nói, chị làm vì chị thích, làm để lấp đầy cái khoảng trống chênh vênh trong lòng mỗi khi tết đến xuân về. Vị kim chi giống vị cuộc đời của chị, có cả chua, cay, mặn ngọt trộn lẫn vào không thể tách rời ra. Nó hoà quyện đến nỗi khó ai có thể đếm được trong đó có bao nhiêu thứ nguyên liệu.

Tôi thấy thương chị quá, thương cái sự đợi chờ trong dằng dặc tháng năm mà không biết ngày nào kết thúc. Mang tiếng có chồng mà chẳng khác một bà mẹ đơn thân. Còn không hạnh phúc bằng họ khi vẫn phải sống khép mình trong một sợi dây ràng buộc vô hình là đạo làm vợ.

Chị cũng đâu còn trẻ nữa, mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc, khoé mắt đầy những vệt chân chim. Vài năm nữa con gái đi lấy chồng rồi thì cuộc sống của chị sẽ thế nào?

Nghĩ đến đó, tôi bấm điện thoại gọi cho chị xem tình hình tết nhất chuẩn bị đến đâu rồi? Bất ngờ nghe tiếng chị giòn tan phía đầu máy bên kia: "Xong xuôi hết cả rồi, chị và con gái đã đặt một tour đi du lịch xuyên tết luôn!".

"Ôi trời! Ngạc nhiên chưa! Thế năm nay không kim chi, kim châm gì nữa à?"

"Có chứ, đã làm và chia phần cho mọi người cả rồi! Phần chị thì năm nay không ăn tết nữa mà là "chơi tết", phải tự giải phóng cho mình thôi" - giọng chị đột nhiên trầm xuống - "chị cũng đã đơn phương làm thủ tục ly hôn rồi"... Với chị từ bây giờ mới bắt đầu có mùa xuân...

Lòng tôi hơi bâng khuâng, không biết nên buồn hay nên vui khi nghe tin này. Mà thôi, đó là lựa chọn của chị, chị thấy vui là được. "Tống cựu" để "nghinh tân" cũng là một trong những ý nghĩa tốt đẹp của những ngày tết đến.

NGA NGA CAO

Đống Đa, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục