Món khai tâm ngày tết

Làng tôi bên động cát của bờ biển Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình). Năm nào đến mùng 1 Tết, nhà nào cũng mở món ăn khai tâm cho con cháu. Món ăn vỡ lòng về thương nhớ, yêu ghét, trách nhiệm với bản quán, xóm làng.
Món khai tâm ngày tết

Làng tôi bên động cát của bờ biển Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình). Năm nào đến mùng 1 Tết, nhà nào cũng mở món ăn khai tâm cho con cháu. Món ăn vỡ lòng về thương nhớ, yêu ghét, trách nhiệm với bản quán, xóm làng.

Món ăn giản đơn nấu từ gạo đỏ (còn gọi gạo lức), trồng ở ruộng su, đi cấy ruộng nước chấm thắt lưng. Cây lúa gạo đỏ cao lút đầu người, đất trời có bao trái ngang, nó vẫn đứng thẳng. Nó khái tính. Mỗi năm trồng một vụ, thu hoạch xong cất vào bao, đến cuối năm đưa ra xay xát, mùng 1 Tết, người cao tuổi nhất nhà đứng ra nấu nồi cơm gạo đỏ.

Bát cơm đầu tiên đặt lên bàn thờ tiên tổ. Lời nội tỏa ra giữa trầm mặc mùi hương: “Lòng thành với tổ tông, con cháu trong nhà dâng lên bát cơm có mùi khói, để nhớ về tiền nhân khai khẩn đất làng với bao cực nhọc. Chén cơm ngày xưa cha ông khai đất đã dùng thì nay con cháu vẫn gìn giữ”.

Khi cây nhang cháy đúng phân nửa, nội bưng bát cơm xuống đặt lên bàn, sớt mỗi người trong nhà một ít nói đó là công lao khẩn khai của cha ông ban phước. Mỗi hạt cơm gạo lức quý giá mồ hôi, xương máu. Tôi nhỏ, nội xoa đầu, cho ăn trước để khai tâm. Bữa ăn không thịnh soạn, nhưng có dưa hành, kiệu, kèm dĩa bánh chưng. Nhưng đặc sản nhất là tô canh rau dền nấu cùng tép đồng mua ở chợ làng ngày 30 Tết. Nội nói bát canh nhắc nhở đi đâu xa cũng nhớ về món ăn quê mùa, thô kệch, nhưng đó là nơi cất giữ được tình cảm thương nhớ. Đũa vót bằng tre ngà trước đêm ba mươi. Đôi đũa úp vào bát, tượng trưng cho chí khí mở mang làng xóm, bát đựng cơm thô mộc từ đất thấm đẫm biểu tượng bản quán đã giữ gìn mấy ngàn năm.

Bữa ăn, các nhà trong làng ôn lại thuở đất làng khai sinh. Từng câu chuyện về các bậc tiền nhân lẫm liệt được kể ra; đàn con cháu say sưa nghe những truyền khẩu về chuyện quân dân đánh bại quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Những tấm gương lãnh binh bên bờ sông Gianh không khuất phục triều đình phong kiến, lập thành lũy, kháng thực dân.

Món ăn khai tâm.

Món ăn khai tâm.

Nhớ mãi câu chuyện kể về danh nhân Nguyễn Hàm Ninh sống ở Bắc sông Gianh. Con người tài hoa mà Cao Bá Quát cũng phải vái lạy nể phục. Hai câu chuyện ứng đối với vua được kể bên bát cơm gạo đỏ về ông đến nay vẫn in đậm tâm trí. Ông được vào làm quan triều Nguyễn, nhiều lần đi qua điện Thái Hòa, thấy hai câu đối sơn son thếp vàng:

Tử năng thừa phụ nghiệp

Thần khả báo quân ân.

Nghĩa là:

Con phải thừa tiếp sự nghiệp của cha

Tôi phải trả tròn ơn của vua.

Nhưng ông đã rút bút phê ngay bên cạnh:

Tối hảo! tối hảo. Cương thường điên đảo

Thần Nguyễn Hàm Ninh phụng khảo.

Vua Minh Mạng cho đòi ông vào, mắng ông vì sao cương thường điên đảo. Ông tâu: tử đứng trên phụ, quân nằm dưới thần thì không điên đảo cũng đảo điên. Vua hỏi ngươi sửa lại được không. Nguyễn Hàm Ninh nhanh chóng sửa rằng:

Phụ nghiệp tử năng thừa

Quân ân thần khả báo.

Vua khen và yêu quý ông.

Mỗi năm, từng câu chuyện dày lên trong trí nhớ của tôi sau mỗi lần khai tâm vào mùng 1 Tết. Tình yêu xóm làng, bản quán cứ thế được bồi đắp, những đứa con của làng lớn lên, ngược xuôi với bao dâu bể cũng không thể nào phai mờ nhiều câu chuyện bên bát cơm gạo đỏ.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục