Tết đến, xuân về, khí trời thay đổi làm lòng người cũng chùng chình, lắng đọng trước mọi cảnh vật xung quanh. Lòng người nhẹ nhàng, chậm rãi đón nhận những hương vị xuân hòa quyện vào hồn người. Nội tôi là một mẫu người phụ nữ truyền thống nhưng không cổ hủ. Vốn là dân miệt Tân Khánh – Sa Đéc, lớn lên rồi theo ông cố tôi tham gia vào cách mạng, bà trở thành một nữ giao liên tài tình trong những năm tháng chiến tranh.
Khi hòa bình lập lại, bà được ông nội tôi mang trầu cau sang dạm hỏi để "rước nàng về dinh". Cô gái xứ làng hoa mỹ miều sánh duyên cùng chàng trai vùng đất Láng làm đẹp lòng, đẹp dạ bà con, họ hàng hai bên gia tộc. Bà tôi là mẫu người phụ nữ, theo tôi nghĩ, giỏi việc nước và đảm việc nhà. Bà quán xuyến cửa nhà một cách tài tình, khéo léo, đâu ra đấy và đặc biệt là tài làm bánh không chê vào đâu được. Trong đó, món chuối ngào đường của nội đã làm cho bao người đàn ông trong gia đình từ ông tôi, cha tôi, các chú tôi và giờ đây là tôi mãi không quên.
Năm nào cũng vậy, khi lá mai già được lặt xuống, cũng là lúc nắng tháng Chạp đong đầy từ sân nhà ra khắp ngõ xóm. Nội tôi tất bật, xắn tay áo để ép chuối đem phơi khô. Loại chuối để ép phơi khô mà nội tôi thường dùng là chuối xiêm, bởi nó ngon, ngọt và rất đỗi phổ biến. Chuối mua về, nải nào đã muồi thì nội ép trước, nải nào còn xanh thì nội sẽ treo lên trên chái bếp đợi cho chín muồi, sẽ đem ép. Để ép chuối, bà tôi đặt trái chuối vào giữa hai miếng lá chuối khô, rồi dùng thớt ép nhẹ cho trái chuối dẹp mỏng ra.
Phải ép thật khéo tay để miếng chuối không mỏng quá sẽ khó gỡ, còn dày quá thì lâu khô. Đôi bàn tay nhăn nheo vì sương gió của nội khéo léo, nhẹ nhàng chẳng khác nào những người đầu bếp tài ba. Mỗi lần nội ép chuối, tôi đều lăng xăng bên cạnh để phụ bà một tay. Nhiều khi, lực ép của tôi không đủ mạnh nên cứ phải để nội ép lại, nội bảo phải ép chuối cho mỏng để thịt chuối tiếp xúc được nhiều với ánh nắng thì khi đó chuối sẽ thơm hơn, ngọt ngào hơn.
Chuối ép xong sẽ được nội đem ra phơi nắng, tùy thuộc vào mức độ ánh nắng mà thời gian khô của miếng chuối sẽ khác nhau, có đôi khi trời nắng gắt thì chỉ cần phơi hai ba ngày đã khô nhưng cũng có khi phải ba bốn ngày hơn. Tôi cùng các em tôi thường chờ khi chuối gần khô thì sẽ "trộm" vài miếng. Những miếng chuối phơi khô thơm nồng mùi nắng, vừa dẻo vừa ngọt, vô cùng thu hút chúng tôi. Với trẻ quê, nó ngon không kém bất cứ thứ quà bánh nào, bởi đó là tình thương vô hạn của bà, của mẹ.
Sau khi chuối đã được ép và phơi khô, nội tôi sẽ cắt sợi chúng ra, mùi mật chuối đặc sệt lan đều trong nhà, từng sợi được xếp vắt vẻo nhau trong thau lớn. Sau đó, nội tôi sẽ mua về vài ký đường, vài củ gừng và ít đậu phộng để tiến hành công cuộc ngào đường cho những miếng chuối khô.
Đây là giây phút anh em tôi háo hức nhất. Chúng tôi sẽ xúm quanh bếp lửa xem nội ngào chuối, ngọn lửa hồng cứ tí tách bên chái bếp. Thỉnh thoảng, những hòn than đỏ rực lại bắn ra bao tia lửa nhỏ như những chiếc pháo hoa tung nổ chào đón giây phút giao mùa thiêng liêng.
Khi đường tan chảy, bà tôi cho chuối và gừng vào đảo thật nhanh tay. Đôi tay thoăn thoắt với đôi đũa cái, nội đảo đều một cách nhịp nhàng, từng giọt mồ hôi vươn trên trán nội, thấm vào từng thớ chuối, đó là vị mặn của tình yêu thương vô bờ bến nơi bà tôi. Đến khi chuối khô hẳn lại và dẻo quánh thì nhấc xuống, đậu phộng đã được nội giã đều tay, rắc vào rồi chờ chuối nguội thì sẽ cho chuối vào các hũ, để dành cho con cháu.
Những sợi chuối dẻo mượt kết hợp với độ giòn của đậu phộng rang tạo nên sự khoái khẩu khó cưỡng. Hương thơm và vị ngọt, cay, bùi của mật chuối cùng đường, gừng, đậu phộng… hòa quyện với vị trà lài dịu ngọt ăn ý nhau vô cùng, để lại hậu vị dễ chịu vương vấn trên đầu lưỡi, trong tâm tưởng bao người con, người cháu.
Ngày nay, ngoài thị trường có biết bao món ngon, vật lạ dành cho những ngày tết nhưng hương vị của chuối khô ngào đường vừa ngọt vừa cay cay, thơm thơm làm tôi nhớ mãi. Hương vị mật chuối thấm đẫm nắng gió của quê nhà khiến lòng tôi chẳng bao giờ quên được, bởi lẽ đó chính là sự chắt chiu tình cảm của nội tôi đối với con cháu trong gia đình, là tấm lòng trân quý gửi đến cho nhau khi mùa xuân về.
TRƯƠNG HOÀNG HÂN
Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang