Đại diện Ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch) đã dẫn đoàn tham quan các bộ phận quan trọng, được xem là “trái tim của MoMo”. Trong đó có Trung tâm Công nghệ Sản phẩm, Bộ phận nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), Bộ phận phát triển giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, hộ gia đình), Đơn vị phát triển ứng dụng và quản lý vận hành.
Vào tháng 9-2020, MoMo chính thức công bố cán mốc 20 triệu người dùng sau 10 năm ra mắt thương hiệu Ví MoMo trên thị trường. Đây là giai đoạn mở ra chiến lược mới của Ví điện tử MoMo, trở thành siêu ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian qua, MoMo đã hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, MoMo xây dựng hệ sinh thái hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán của các đối tác lớn nhỏ, trong và ngoài nước, từ xe đẩy trái cây cho tới hộ kinh doanh.
Phía MoMo cho hay, ngay trong Quý 4-2020, người dùng Việt Nam sẽ thật sự được trải nghiệm Siêu ứng dụng từ Ví MoMo. Với siêu ứng dụng, các đối tác có thể có thêm hàng triệu khách hàng mới, cũng như chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả với chi phí thấp. Đặc biệt, siêu ứng dụng sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ có thể tương tác trên nền tảng Ví MoMo, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. |
Siêu ứng dụng MoMo sẽ đóng vai trò như những “CTO, CMO, CFO” của đối tác, đặc biệt là các SMEs. Nói rộng hơn là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam. Đây chính là yếu tố chính trong Chiến lược New Retail - xu hướng mà các doanh nghiệp Việt đang hướng đến.
Trong quá trình phát triển, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử cho dịch vụ công là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của MoMo. Đến nay, người dùng của MoMo tại 40 tỉnh, thành trên toàn quốc đã có thể thanh toán phí, lệ phí, đóng phạt hành chính bằng Ví điện tử MoMo.
Bên cạnh trình bày những kết quả đạt được, đại điện Ví MoMo cũng có những đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý dành cho Fintech, cụ thể: Thúc đẩy và mở rộng thanh toán dịch vụ công (thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nộp phạt vi phạm hành chính,…) thông qua hình thức không tiền mặt và có cơ chế trả phí phù hợp. Bên cạnh các cơ chế quản lý rủi ro, hành lang pháp lý dành cho Fintech cũng còn cần có quan điểm dễ chấp nhận, sát thực tế hơn. Song song, là tinh thần khuyến khích các Fintech phát triển thông qua các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, thu hút nhân tài... Như vậy cũng phù hợp với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà Chính phủ hướng tới. |
Ông Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) đã phát biểu: Chúng tôi ghi nhận và hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi kỹ hơn. Chúng tôi cũng không dám hứa tất cả kiến nghị của Ví MoMo đều được giải quyết nhưng chúng tôi có thể hứa là sẽ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ không chỉ với Ví MoMo mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech để chúng ta hình thành môi trường kinh doanh hợp lý, hài hòa.