Mọi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân sắp tới, đồng thời tiếp tục kéo giảm các chỉ số tai nạn. Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Bảo Ngọc (ảnh), Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) về việc triển khai các chỉ đạo này.

ong-tran-bao-ngoc-7617-7608.jpg

* PHÓNG VIÊN: Những năm gần đây chúng ta đã đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng giao thông nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những dịp cuối năm. Ông có thể lý giải tình trạng này?

* Ông TRẦN BẢO NGỌC: Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong những năm vừa qua đã tạo ra một mạng lưới giao thông hiện đại, đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn có những tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, chưa được nâng cấp đáp ứng nhu cầu thực tế, do hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, vào dịp cuối năm, lưu lượng phương tiện thường tăng đột biến, gây áp lực lên hạ tầng giao thông cũng dẫn đến nguy cơ TNGT tăng cao. Theo thống kê, phần lớn TNGT xảy ra trên đường bộ, trong đó nhiều vụ xảy ra ở những cung đường nguy hiểm, trong điều kiện thời tiết xấu, đêm tối…

o7c-8535.jpg
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

* Vậy năm nay, Bộ GTVT có hướng xử lý thế nào?

* Trong kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2024, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch kiểm tra, rà soát hạ tầng giao thông, như: hoàn chỉnh hệ thống vạch sơn; báo hiệu đường bộ; thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế. Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường cho người dân đi lại 1 tuần trước kỳ nghỉ tết. Các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thường xuyên xảy ra tai nạn cũng được rà soát để bổ sung các biện pháp an toàn. Với các lĩnh vực khác như hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu hoàn thiện về hạ tầng để đảm bảo ATGT trong dịp nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

* Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây đã bộc lộ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý hoạt động vận tải. Khi nhu cầu vận tải tăng mạnh, làm thế nào để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ các quy định, thưa ông?

* Những lỗ hổng trong công tác quản lý hoạt động vận tải cần được giải quyết căn cơ, bằng việc sửa đổi các quy định, ví dụ như sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP và các thông tư liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Trong khi chờ quy định mới, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý toàn diện hoạt động vận tải.

* Đâu là những giải pháp cụ thể để giảm thiểu TNGT trong dịp tết Giáp Thìn - 2024 này, thưa ông?

* Chúng ta biết rằng, đảm bảo ATGT là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ở góc độ của Bộ GTVT, Bộ GTVT đã triển khai các phương án đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2024, đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở tất cả các lĩnh vực đường thủy, đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt. Cụ thể, Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc sẽ kiểm tra thực tế từ nay đến ngày 25-2, tại các tỉnh, thành: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và một số trung tâm du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Hạ Long (Quảng Ninh), Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Sơn La, Hòa Bình...

Cùng đó, sở GTVT các địa phương, đơn vị vận tải phải chủ động phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam quản lý chặt hoạt động của phương tiện, phát hiện và chấn chỉnh ngay các vi phạm về: tốc độ, hành trình, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của tài xế thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật phương tiện; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm. Các lực lượng chức năng cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tài xế vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng, quá số người quy định... Các đơn vị cũng sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh của hành khách và người dân. Mọi vi phạm sẽ được các lực lượng chức năng xử lý nghiêm, triệt để, không có vùng cấm.

Kiểm tra nồng độ cồn xuyên tết

Theo kế hoạch, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn xuyên tết trên các tuyến giao thông.

Trên đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tập trung kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển xe trong cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy; vi phạm tốc độ; tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; xe “cơi nới” thành thùng, chở hàng quá tải, quá khổ; chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định... Đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn. Kế hoạch trên được thực hiện từ nay tới hết ngày 9-3.

Ngày 14-1, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho biết, qua 4 ngày kiểm tra cao điểm trên (từ ngày 11 đến 14-1), lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý gần 40.000 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 88 tỷ đồng; tạm giữ hơn 13.000 phương tiện, tước hơn 8.000 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 9.098 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 8.239 vi phạm về tốc độ…

ĐỖ TRUNG

Tin cùng chuyên mục