Theo đó, từ ngày 12 đến 16-5 đã giám sát, phát hiện, tiêu diệt và ngăn chặn 5 trường hợp phát tán mã độc WannaCry (trên tổng số 114.496 trường hợp phát tán mã độc các loại) từ hệ thống mạng của các đơn vị, bao gồm: Sở VH-TT-DL TP, 2 trường hợp ở UBND huyện Bình Chánh, Cảnh sát PCCC TP và UBND quận 9. Từ ngày 15 đến 18-5 đã xử lý 2 trường hợp bị mã độc mã hóa dữ liệu dạng ransomware gồm máy ở Thanh tra TP và Sở Ngoại vụ TP.
Mặc dù đến nay, chưa có thiệt hại nào liên quan đến mã độc WannaCry tại các đơn vị, tuy nhiên, ông Lê Quốc Cường cho biết, nhiều đơn vị trên địa bàn vẫn chưa áp dụng triệt để chính sách an ninh mạng. Hiện còn 1.500 máy trạm dùng hệ điều hành cũ Windows XP do máy cấu hình yếu, đã cài đặt bản vá lỗ hổng để tránh bị WannaCry xâm nhập.
Trước đó, Sở Thông tin-Truyền thông TPHCM đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng vệ đối với Trung tâm Dữ liệu TP, kết hợp với các hướng dẫn của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin-Truyền thông. Hàng tuần, bộ phận giám sát hệ thống mạng đều báo cáo tình hình mã độc, các nguy cơ an toàn an ninh trong hệ thống mạng chính quyền TP; trung bình mỗi tuần có trên 100.000 trường hợp mã độc được phát hiện và ngăn chặn.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến quán triệt, giao thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm quản lý về an toàn thông tin. Nếu xảy ra quản lý lỏng lẻo, để tin tặc tấn công thì trước hết thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm, sau đó mới tới cán bộ liên quan. Ngoài ra, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đề nghị cần nghiên cứu và nhân rộng mô hình Trung tâm Công nghệ thông tin quận 1; nghiên cứu hoàn chỉnh Đề án xây dựng Trung tâm An toàn Thông tin TP; đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Dữ liệu dự phòng của TP cùng các phương án đảm bảo hoạt động xuyên suốt khi bị tấn công mạng.