Chỉ khoảng 15% nước thải đô thị được xử lý
Thời gian qua, TPHCM đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện cải tạo môi trường nước, kênh, rạch và đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều kênh rạch trước đây bị ô nhiễm như các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé... nay đã được chuyển hóa, hồi sinh thành những dòng kênh xanh, sạch. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều kênh, rạch khác trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Ghi nhận tại kênh 19-5, chảy dài qua KCN Tân Bình (quận Tân Bình và quận Bình Tân) cho thấy, tình trạng nước kênh rất ô nhiễm, có màu đen đục, bốc mùi hôi khó chịu. Phần lớn nước thải sinh hoạt của người dân đều xả thẳng ra kênh. Hay như tại kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình), tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng, rác thải sinh hoạt đầy ắp kênh, bốc mùi hôi thối, màu nước đen kịt... Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đi qua các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh nhiều năm nay cũng đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân vì sự ô nhiễm.
Ghi nhận trong ngày 20-11, hạ tầng dọc 2 bờ kênh vẫn rất nham nhở, cỏ cây mọc um tùm, nhiều chất thải sinh hoạt của nhà dân đổ thẳng ra kênh, bốc mùi hôi thối nghiêm trọng. Ông Lê Văn Sơn, người dân sống ở đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), nhận xét: “Mấy năm trước, thành phố có cải tạo môi trường ở tuyến kênh chạy ngang địa bàn, tiến hành giải phóng mặt bằng, kè bê tông 2 bên kênh. Người dân mừng lắm, hy vọng thoát được cảnh sống chung với ô nhiễm. Nhưng không hiểu sao gần đây dự án dừng triển khai, để dở dang, tuyến kênh ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm”.
Theo thông tin mới nhất của Bộ TN-MT, hiện chất lượng nước ở một số khu vực vẫn bị ô nhiễm, tập trung phần lớn trên các đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh.
Điển hình là các đoạn sông chảy qua nội thành Hà Nội, TPHCM. Các “điểm nóng” ô nhiễm trên một số lưu vực sông phải kể đến, như: lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai.
Các chuyên gia nhận định, môi trường nước ở một số địa phương bị ô nhiễm là do các hoạt động phát triển đô thị, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hệ thống thoát nước tại các đô thị chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thoát nước.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước không đồng bộ với hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến hiệu quả xử lý thấp, chỉ khoảng 15% nước thải đô thị được thu gom và xử lý; việc kiểm soát các nguồn thải ra kênh, rạch... hầu như chưa được khắc phục.
Nỗ lực xanh hóa kênh rạch
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ đẩy mạnh di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên, ven kênh, rạch. Cụ thể, hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị.
Đối với các dự án vốn ngân sách, thành phố tập trung thực hiện 3 dự án giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường có kết hợp di dời nhà trên, ven kênh rạch và chỉnh trang đô thị, bao gồm: dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) tổng mức đầu tư 9.350 tỷ đồng, di dời 2.195 nhà dân; dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng và dự án cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, quy mô di dời 834 nhà dân.
Ngoài ra, còn có nhiều dự án cải tạo kênh, rạch ở mức quy mô nhỏ hơn. Đối với các dự án vốn ngoài ngân sách, thành phố tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị rạch Song Tân, rạch Bần Đôn và một số kênh rạch ở quận 8.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế tuần hoàn cho rằng, để có thể bảo vệ môi trường nước mặt trên các kênh rạch, sông ngòi, điều quan trọng nhất là cần phải kiểm soát được các nguồn thải từ khu dân cư, khu công nghiệp. Kế đó là đẩy mạnh việc tái chế, tái sử dụng nguồn nước (tùy vào mục đích sử dụng) để giảm nguồn khai thác cũng như hạn chế nguồn nước thải xả ra môi trường.
TS Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cũng cho rằng, các tỉnh, thành phố lớn như TPHCM cần đẩy mạnh đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung cho từng khu vực để có thể đảm bảo việc thu gom và xử lý.
“Khi được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn thì sẽ hạn chế được lượng nước thải đổ thẳng ra môi trường kênh, rạch. Có kiểm soát được nguồn thải thì chúng ta mới hy vọng bảo vệ được môi trường nước trên kênh, rạch, sông ngòi”, TS Nguyễn Văn Hồng nhấn mạnh.