Tỉnh Quảng Nam có vị trí du lịch quan trọng, nằm ở trung tâm của tuyến du lịch miền Trung Việt Nam. Là địa phương có nhiều loại hình du lịch mang đặc trưng riêng của vùng đất Quảng Nam dựa trên sự phong phú của hệ thống các di sản văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, sự phát triển bền vững của du lịch, như môi trường tự nhiên, môi trường di sản đứng trước nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng. Do đó tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chủ trương phát triển du lịch quan trọng, với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” và xây dựng Bộ Tiêu chí Du lịch xanh.
Đồng thời, xác định tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và hình thành các cụm điểm du lịch có tính liên kết tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc của Quảng Nam.
Với quan điểm đó, ngành du lịch Quảng Nam đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, hình ảnh “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”. Hình ảnh được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, nhiều địa phương trong nước đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng vì môi trường lành mạnh là yếu tố then chốt đối với sức cạnh tranh của ngành du lịch. Bờ biển, núi, sông và rừng là những điểm thu hút chính đối với khách du lịch trên toàn thế giới. Du lịch kết nối con người với thiên nhiên, có thể thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ môi trường nếu được thực hiện một cách bền vững.
Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, bền vững. Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, nâng cao ý thức gìn giữ, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật. Đồng thời, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm, cải thiện sinh kế và góp phần xóa đói giảm nghèo.
"Có thể thấy, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực, tình trạng quá tải điểm đến như ở Cẩm Thanh, hay Cù Lao Chàm… đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường", ông Văn Bá Sơn chia sẻ thêm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của các địa phương, tổ chức trong việc phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và đa dạng sinh học; những đề xuất cho du lịch Quảng Nam; những nút thắt cần tháo gỡ trong phát triển du lịch dựa vào đa dạng sinh học; việc xây dựng các chính sách, quy hoạch để quản lý và phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển đổi sinh kế và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế - xã hội. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.