Phát biểu khai mạc, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam, cho biết: Trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu cả nước. Có thể thấy, 5 năm liền vừa qua, ĐBSCL đều đứng đầu về điểm số PCI trong 6 vùng kinh tế trên cả nước và đứng đầu rất nhiều chỉ số so với các vùng miền khác. Theo đó, điểm số PCI trung vị của vùng vẫn duy trì được xu hướng tăng bền vững qua các năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm; từ 59 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm năm 2019. Điểm chỉ số thành phần của các tỉnh trong vùng cũng có sự cải thiện, đồng đều hơn, cho thấy đã có sự tiến bộ ở tất cả các mảng, có 5/13 tỉnh trong vùng thường xuyên nằm trong tốp 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, cho thấy ĐBSCL được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững…
Trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, ĐBSCL hiện có 5 vị trí bao gồm các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và TP Cần Thơ. Riêng tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành cả nước trong 3 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng PCI. An Giang là tỉnh tăng điểm và hạng nhiều nhất ở ĐBSCL trong năm 2019. Tỉnh Vĩnh Long có sự thăng hạng vượt bậc và nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu, qua kết quả PCI trong những năm qua, hầu hết các chỉ số thành phần PCI 2019 của tỉnh Vĩnh Long đều có bước nhảy vượt bậc về điểm số và thứ hạng. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, tỉnh đạt tổng điểm trên 70 và có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó có những chỉ số thành phần rất cao như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian…
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sử dụng dữ liệu PCI như một nguồn thông tin có giá trị khi xem xét ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại một địa phương nào đó. Sự quan tâm của tỉnh Vĩnh Long cũng như các tỉnh khu vực ĐBSCL đã góp phần khắc phục những tồn tại hạn chế trong việc cải thiện PCI, từ đó tiếp tục duy trì kết quả đạt được, cải thiện được thứ hạng trên bảng đánh giá chung và là khu vực có chất lượng điều hành tốt so với các khu vực khác trên cả nước.