Mỗi tháng dùng từ 401kWh trở lên, phải trả tiền điện cao hơn bình quân 162-180%

Theo biểu giá điện 5 bậc (thay cho 6 bậc hiện hành) mà Bộ Công thương đang gửi dự thảo cho Bộ Tư pháp thẩm định, thì nếu mỗi tháng, các hộ gia đình sử dụng từ 401kWh trở lên, mức giá lũy tiến sẽ cao gấp 162-180% so với mức giá bán lẻ bình quân.

Gia dien 2.jpg
Hơn 92% ý kiến đồng ý biểu giá điện 5 bậc

Ngày 22-3, Bộ Công thương cho biết, đơn vị này đã hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sau khi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan và đang gửi Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Chính phủ.

Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan, theo Bộ Công thương, có 92,2% ý kiến lựa chọn phương án rút ngắn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và nhất trí với mức thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể, dự thảo giá điện đã chia 5 bậc gồm: bậc 1 cho 100 kWh đầu tiên, bậc 2 từ 101 đến 200kWh, bậc 3 từ 201 đến 400kWh, bậc 4 từ 401 đến 700kWh và bậc 5 từ 701kWh trở lên. Trong đó, về giá bán lẻ, theo cơ cấu 5 bậc này, nếu người dân sử dụng mỗi tháng từ 400kWh trở xuống thì mức giá điện vẫn sẽ áp dụng như giá hiện nay. Còn nếu dùng từ 401 đến 700kWh, cơ cấu giá điện bán lẻ đến người tiêu dùng sẽ được tính bằng 162% so với mức giá bán lẻ bình quân hiện hành và từ 701kWh trở lên sẽ được tính bằng 180% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

IMG_7601.jpeg
Tỷ trọng giá điện sinh hoạt và sản xuất - dịch vụ so với mức giá bình quân

Bộ Công thương cho rằng, với biểu giá điện 5 bậc như dự thảo, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối.

IMG_7600.jpeg
Giá điện của 6 bậc hiện hành và đề xuất 5 bậc theo dự thảo

Mặc dù vậy, theo Bộ Công thương, khi góp ý cho dự thảo này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cơ chế giá điện của dự thảo là chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp. Điện cho sản xuất có thời điểm chỉ bằng 52% giá bình quân, trong khi giá điện sinh hoạt hiện nay cơ bản cao hơn giá điện bình quân. Theo tổ chức công đoàn, giá điện sinh hoạt vẫn đang phải bù chéo cho giá điện sản xuất, kinh doanh.

Cùng chung quan điểm, Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, tức không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), đây mới chỉ là dự thảo và còn có thể thay đổi. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục theo quy định để Bộ Công thương trình dự thảo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đồng bộ với các văn bản quy định khác.

Tin cùng chuyên mục