Số liệu trên cho thấy, mối quan hệ thương mại giữa 2 nước thời gian qua đang bùng nổ. Trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 16% tổng kim ngạch ngoại thương. Trong thời gian xung đột, vai trò của Bắc Kinh càng thể hiện rõ trong bối cảnh kinh tế Nga gặp không ít khó khăn trước những đợt cấm vận của phương Tây.
Hồi tháng 9-2022, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi mối quan hệ kinh tế bền chặt với Bắc Kinh, đồng thời lưu ý rằng vào năm 2021, thương mại Nga - Trung đã đạt mức kỷ lục 146 tỷ USD.
Trung Quốc và Nga đã xích lại gần nhau hơn, xây dựng mối quan hệ “không có giới hạn”, nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ. Theo Bloomberg, khoảng 81% lượng ô tô nhập khẩu của Nga trong quý 2-2022 đến từ Trung Quốc, trong khi thương hiệu điện thoại Xiaomi của Trung Quốc trở nên phổ biến nhất ở Nga. Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ nhiên liệu đáng tin cậy của Nga, mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga. Từ tháng 5-2022, Nga thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Các công ty và ngân hàng của Nga cũng đang đẩy mạnh việc chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán quốc tế.
Dự kiến, Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm qua đường ống Sức mạnh Siberia 2 trong tương lai. Khối lượng này gần như ngang bằng công suất vận chuyển tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 đã ngừng hoạt động từ tháng 9-2022. Đường ống Sức mạnh Siberia 2, có một phần đi qua Mông Cổ, sẽ thúc đẩy nền kinh tế tiêu tốn năng lượng của Trung Quốc. Việc xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu vào năm 2024. Đường ống này là bước phát triển lớn có tầm quan trọng chiến lược khi Tổng thống Nga Putin muốn xoay trục sang châu Á.