Đơn cử như vụ rớt thùng container ở cầu vượt nút giao thông Thủ Đức vào ngày 5-8; vụ xe container đụng gầm cầu vượt Linh Xuân, làm rớt thùng container ngày 16-8 hay vụ lật thùng container ngày 25-8 tại khu vực thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương...
Để giảm những rủi ro nguy hiểm từ container ảnh hưởng đến tính mạng của người dân lưu thông trên đường, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có văn bản gửi các đơn vị vận tải triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Theo đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM chủ động phối hợp với các cảng Cát Lái, Hiệp Phước, Sài Gòn, Trường Thọ và các đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn giao thông, đạo đức tài xế; nhắc nhở các nguyên tắc đảm bảo an toàn giao thông đối với xe container; trong đó thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng vào container và xếp container trên ô tô theo Điều 8 Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Đối với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty cổ phần Cảng Tân cảng Hiệp Phước, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, ICD số 3 - Phước Long, ICD Cơ khí giao thông 623... kiểm tra đầy đủ các điều kiện an toàn đối với các phương tiện trước khi cho phép xuất cảng theo đúng quy định.
Không dừng lại ở đó, Công an TPHCM cũng xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chuyên đề tập trung vào công tác xử lý nghiêm trường hợp xe đầu kéo vi phạm các nguyên tắc an toàn giao thông trong quá trình lưu thông theo đúng quy định, trong đó xử phạt nghiêm trường hợp lưu thông nhưng không khóa gù cố định thùng container với rơ-moóc, gây nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng khi tham gia giao thông.
Có thể nói rằng, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay luôn được Chính phủ quan tâm và chính quyền TPHCM quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, với quyết tâm có thừa và giải pháp cũng không ít, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa bền vững, số vụ tai nạn giao thông vẫn tăng hàng năm. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhưng tựu trung lại vẫn là yếu tố con người, cụ thể hơn là ý thức con người. Đó là ý thức của người tham gia giao thông, ý thức của người thực thi công vụ. Bởi dù hạ tầng giao thông có hoàn thiện đến đâu, cũng như những cơ sở pháp lý để chế tài, xử phạt có chặt chẽ tới mức độ nào, nhưng ý thức của người chấp hành và thực thi luật pháp (giám sát, xử phạt) chưa thật sự coi “tính mạng con người là trên hết”, sẽ vẫn còn đó những tai nạn giao thông đau lòng.
Để giảm rủi ro khi lưu thông trên đường, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao ý thức người dân, đề cao văn hóa giao thông cho tất cả cộng đồng. Song hành với đó là việc giám sát người thực thi luật pháp, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chức quyền để bảo kê, bao che cho những sai phạm. Từ đó mới loại bỏ suy nghĩ có thể “mua đường” và “khai tử” những “hung thần” container đang xuôi ngược trên các tuyến đường.