Hãng tin AP ngày 22-4 cho biết hàng ngàn phần tử thánh chiến Trung Quốc đã đến Syria kể từ khi cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này bùng phát hồi tháng 3-2011. Bắc Kinh lo ngại các phần tử này trở về nước gây bất ổn. Nhiều nước Đông Nam Á cũng có chung mối lo.
Mối đe dọa từ Phong trào Đông Thổ
Một số phần tử thánh chiến Trung Quốc đã gia nhập nhóm Mặt trận al-Nusra, một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, số khác lại thề trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khi số lượng nhỏ lại gia nhập các phe cánh như nhóm bảo thủ cực đoan Ahrar al-Sham. Tuy nhiên, phần lớn các phần tử thánh chiến Trung Quốc tham gia đảng Hồi giáo người Thổ (TIP) ở Syria, hay còn gọi là Phong trào Đông Thổ, đảng có đa số người Hồi giáo Trung Quốc, đặc biệt là những người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ đến từ Tân Cương.
Giám đốc Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abdurrahman cho hay có khoảng 5.000 tay súng Trung Quốc ở Syria, phần lớn trong số này, cùng với các tay súng TIP ở Bắc Syria và gia đình, tập hợp thành khoảng 20.000 người. Trong khi đó, chuyên gia Li Wei thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho rằng con số mà ông Abdurrahman đưa ra là quá cao. Ông Li Wei cho rằng chỉ có khoảng 300 tay súng Trung Quốc ở Syria và mang theo khoảng 700 thành viên gia đình.
Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc đã và đang dồn lực chống cuộc chiến ly khai tại Tân Cương, trong đó có Phong trào Đông Thổ ly khai mà Trung Quốc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Phong trào này gây nhiều vụ bạo động ở Tân Cương từ sau khi nổ ra các cuộc chiến tại Iraq và Afghasnistan. Theo ABC News, các chiến binh Trung Quốc thuộc TIP được tổ chức, chiến đấu chuyên nghiệp và có vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công chống lại lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Giống như hầu hết các nhóm thánh chiến ở Syria, mục tiêu của họ là loại bỏ chính quyền thế tục của Tổng thống Assad và thay thế nó bằng luật lệ nghiêm ngặt của Hồi giáo.
Không chỉ ở Trung Quốc
Vai trò ngày càng lớn của những phần tử này tại Syria đã khiến các cơ quan tình báo của Syria và Trung Quốc phải tăng cường hợp tác vì lo ngại rằng những phần tử thánh chiến đó có khả năng một ngày nào đó sẽ trở về quê hương và gây rối. Trong năm qua, các quan chức Trung Quốc và Syria đã bắt đầu tổ chức các cuộc họp cấp cao mỗi tháng một lần để chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động quân sự tại Syria.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước Đông Nam Á cũng đang tính đến những rủi ro an ninh từ sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ vào các hoạt động khủng bố trong khu vực. Kể từ năm 2013, Đông Nam Á đã nổi lên như là một tuyến đường vận chuyển lớn cho dòng người nhập cư người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương, Trung Quốc, nhằm tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có cộng đồng đông đảo người Duy Ngô Nhĩ. Trong quá khứ, những người Duy Ngô Nhĩ cũng đã định cư bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á và Saudi Arabia. Thật khó để phân biệt đâu là các phần tử khủng bố trong dòng người Duy Ngô Nhĩ ra hoặc vào Đông Nam Á, ai là chiến binh thánh chiến.
Hiện có khoảng 1.000 người Duy Ngô Nhĩ được cho là đang xin tị nạn ở các nước Đông Nam Á. Hồi tháng 3- 2014, Chính phủ Thái Lan đã bắt giữ 424 người Duy Ngô Nhĩ nhập cảnh vào nước này bất hợp pháp. Trong cùng thời kỳ đó, chính quyền Malaysia cũng bắt giữ 217 người Duy Ngô Nhĩ. Một số người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được bí mật đến Syria và Iraq thông qua ngõ Đông Nam Á, giả làm người xin tị nạn. Tháng 9-2014, cảnh sát Indonesia ở Poso đã bắt 4 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tham gia vào một nhóm chiến binh ủng hộ IS. Họ đã nhập cảnh Indonesia bằng hộ chiếu giả của Thổ Nhĩ Kỳ.