Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trong những ngày đầu tháng 5, bệnh viện tiếp nhận hơn 4.500 lượt trẻ đến thăm khám/ngày. Nhân viên y tế phải làm việc thông tầm từ 6 giờ sáng đến 22 giờ mới giải quyết được hết lượng bệnh. Trong đó, số trẻ mắc bệnh hô hấp và tiêu hóa chiếm 70% tổng số lượt khám.
BS CK1 Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết, sức đề kháng của trẻ nhỏ (nhất là ở tuổi mầm non) chưa hoàn thiện nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công trong mùa nắng nóng hoặc khi chuyển mùa. Trong giai đoạn giao mùa từ nắng nóng đỉnh điểm sang mùa mưa như hiện nay, trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đường hô hấp do đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm vẫn rình rập.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, cho biết, số ca đột quỵ nhập viện có xu hướng tăng trong những ngày gần đây. Nguyên nhân do thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh tác động đến sự co giãn quá mức hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim. Điều này nghiêm trọng hơn với người bệnh lớn tuổi, có bệnh nền (như cao huyết áp) nhưng không được kiểm soát tốt, là yếu tố thúc đẩy nguy cơ đột quỵ.
Để phòng chống bệnh xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, giữ vệ sinh cá nhân, tiêm đầy đủ vaccine, nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, chế biến, bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh; hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng, tránh thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (từ 10-14 giờ). Người lớn và trẻ nhỏ cần uống nhiều nước, ăn trái cây bổ sung khoáng chất và vitamin thiết yếu cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Hạn chế làm việc quá sức dưới trời nắng nóng trong thời gian dài để tránh sốc nhiệt.