Tôi nhớ trong lời một ca khúc, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết “mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui…”. Những ngày qua, niềm vui cùng đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa đến đỉnh cao nhất, nên người viết và các đồng nghiệp ở Quảng Châu lại ngân nga vào mỗi buổi sáng: “mỗi ngày, tôi tìm một hy vọng”.
Có câu “còn tin là còn hy vọng”. Tôi vẫn luôn tin đoàn Việt Nam của chúng ta sẽ có được HCV, dù chắc chắn sẽ không nhiều như chỉ tiêu mà các “ông lớn” của ngành thể thao mong muốn, bởi thế mà tôi vẫn luôn hy vọng, dù mở lịch thi đấu vào mỗi buổi sáng của đoàn thể thao nước nhà vẫn đều nhìn thấy “cửa” tối om.
o0o
Sáng qua, một buổi sáng của ngày 20-11, võ sĩ Nguyễn Hữu Nhân của đội tuyển taekwondo Việt Nam đã thi đấu thật tưng bừng ở trận mở màn gặp Mohamad (Jordan), sau đó tiếp tục thắng đậm Shohrat của Turkmenistan. Gặp Nhân sau trận đấu, chỉ để chúc mừng và nhắc Nhân tiếp tục tự tin để tiến lên, bởi đã là ngày thi đấu cuối cùng của môn taekwondo.
Nhân thổ lộ: “Hôm nay là ngày 20-11, em muốn làm một điều gì đó làm quà tặng cho quý thầy. Đặc biệt là thầy Trần Quang Hạ. Anh tin đi, em luôn cố gắng!”. Tôi tin vào sự cố gắng của Nhân, và rất mong Nhân sẽ có một món quà đặc biệt để tặng cho những người thầy của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thế nhưng, muốn là một chuyện, còn làm được hay không lại là vấn đề khác. Trước đối thủ quá mạnh đến từ Thái Lan, Nhân đã thua trắng mọi mặt. Món quà của Nhân đã lỗi hẹn, nhưng thầy Trần Quang Hạ của em đã không lấy làm buồn, vì: “Tôi hài lòng vì tinh thần thi đấu của Nhân, trước võ sĩ rất mạnh, vừa vô địch châu Á hồi tháng 5 vừa qua và từng thắng Nhân ở trận chung kết SEA Games 25-2009, nên việc Nhân thua là không lạ. Trước đó, tôi vẫn mong Nhân sẽ làm được một điều gì đó bất ngờ, dù biết rất khó…”.
Sau trận đấu, Nhân đi ngang qua chỗ các phóng viên Việt Nam, và cúi mặt cứ như người có lỗi. Vậy nhưng, trong ánh nhìn của các phóng viên dành cho Nhân vẫn đầy sự sẻ chia, thông cảm.
Có một chi tiết, người viết cũng cần phải nhắc lại, trước ngày khởi tranh Asian Games, đội tuyển taekwondo Việt Nam đã có 3 tuần tập huấn ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong 12 tuyển thủ Việt Nam đến thi đấu ở Á vận hội, nhưng chỉ có 9 người được đi tập huấn, 3 võ sĩ phải ở nhà với lý do “không có kinh phí”, và một trong những người phải tập nhà có tên Nguyễn Hữu Nhân.
o0o
Hôm qua, đúng một tuần kể từ ngày Á vận hội 16 tổng khởi tranh ở hầu hết các môn thi đấu (ngày 13-11), vậy nhưng đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa thể giải được cơn khát vàng, và áp lực đang ngày càng đè lên đôi vai của tuyển thủ của các môn còn lại.
Trong khi đó, các lãnh đạo của đoàn thể thao Việt Nam cũng đã cảm thấy sức nóng lẫn sức ép từ dư luận đang ngày càng phả hơi nóng vào gáy họ, bởi những chiếc HCV vẫn rời xa tầm tay, trong khi lịch thi đấu tại đại hội đang ngày càng rút ngắn dần.
Chiều qua, tại Nhà thi đấu Quảng Đông, nơi đang diễn ra môn taekwondo, có lẽ sự căng thẳng và áp lực thành tích đè nặng, khiến Phó đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Trung tâm HLTTQG Nhổn) bất chấp việc đang ngồi trên khu vực V.I.P đã đứng lên hò hét chỉ đạo nữ võ sĩ Hà Thị Nguyên thi đấu ở trận tứ kết gặp Alora Elaine (Philippines), hạng cân 67kg nữ.
Trong nhà thi đấu với những tiếng hò reo rần rần, nhưng tiếng của ông Phó đoàn Việt Nam vẫn cất cao lồng lộng: “Đánh nhanh lên. Đá vào mặt nó”, khiến nhiều khán giả giật mình, còn các vị khách V.I.P ngồi nhìn ông Hùng với ánh mắt rất ngạc nhiên, xen lẫn sự khó chịu thấy rõ. Thế nhưng, có lẽ cũng cần thông cảm cho ông, khi cửa vàng đã khó quá rồi.
o0o
Chiều qua, sau trận tứ kết hạng 54kg của Nguyễn Hữu Nhân, các phóng viên Việt Nam đã hối hả kéo nhau ra khỏi nhà thi đấu taekwondo để tìm đến các địa điểm tranh tài khác của đoàn Việt Nam. Quốc Khánh - phóng viên ảnh của Thông Tấn Xã hỏi tôi: “Anh ơi, chiều nay, mình còn những môn nào hy vọng nữa không?”. Trả lời Khánh: “Hôm nay, như thế là hết rồi em ạ, nhưng thôi, chúng ta cứ đi để có đủ hình ảnh và thêm thông tin vậy”.
Trong khi đó, nhìn bước chân nặng nề và giọng nói đầy ai oán của Việt Anh - phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam: “Không lẽ một ngày làm việc của mình đã kết thúc rồi sao anh?”. Tự dưng thấy lòng nhói nhói. Ừ nhỉ, chúng tôi vẫn luôn mong và hy vọng một ngày làm việc của mình sẽ kéo dài đến tận đêm, nơi có những trận chung kết để có thể nhìn thấy quốc kỳ của Việt Nam tung bay, lẫn nghe khúc “Tiến quân ca” thật hào hùng cất lên ở đất nước Trung Hoa xa xôi, dù phải làm bài vở trễ một chút, dù có thể đi bộ hết đêm để về khách sạn vì khó kiếm được xe cũng thỏa lòng. Vậy nhưng, ước mơ ấy sao cứ xa quá!
Lúc đang viết thư này, đồng nghiệp Quang Huy của báo Thanh Niên gọi: “Anh ơi, lát ngồi uống vài chén rượu cho đỡ buồn đi. Hôm nay làm xong sớm quá mà”. Tuy nhiên, nâng chén tiêu sầu, có khi càng sầu thêm?
Đỗ Tuấn