Tại đây, khách mời đặc biệt tham gia chương trình là TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM), đã trò chuyện, hướng dẫn học sinh một số kỹ năng cơ bản như thoát nạn và cứu hiểm khi gặp hỏa hoạn, tự sơ cứu và cấp cứu ban đầu, phòng tránh và tự sơ cứu nhiễm độc, ứng biến thế nào khi bị kẻ xấu lợi dụng, bị bắt cóc, xâm hại tình dục.
Sau đó một ngày, Trường THPT Nguyễn Du tiếp tục tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Kỹ năng ứng phó” với nhiều nội dung thiết thực đối với học sinh, như rèn kỹ năng quan sát và nhận diện tình huống nguy hiểm, cách kêu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ hiệu quả, một số “nguyên tắc vàng” khi đối mặt với kẻ cướp, yêu râu xanh... Đây được xem là một trong những nỗ lực rất lớn của đơn vị trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử cần thiết cho học sinh, tạo thêm cơ hội cho các em giao lưu, học hỏi, có thêm bản lĩnh, tự tin, dám đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Trước đó, buổi học đầu tiên trong năm học mới của học sinh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (quận 1) là bài học về tình yêu thương và sự chia sẻ trong cuộc sống. Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là năm học đầu tiên đơn vị triển khai mạnh mẽ chương trình giáo dục giá trị sống cho học sinh.
Theo đó, xuyên suốt của các hoạt động giảng dạy, giáo dục trên lớp trong tháng 8 sẽ có chủ đề “Yêu thương”, tháng 9 học sinh được học về giá trị “Tôn trọng”, tháng 10 học về giá trị “Trách nhiệm” và tháng 11 là giá trị “Trung thực”. Hoạt động gồm một chuỗi các buổi nói chuyện, chia sẻ, kể chuyện, giới thiệu sách, biểu diễn văn nghệ, giao lưu, hội họa… nhằm giáo dục học sinh ý thức sống tích cực, biết vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, phát triển toàn diện nhân cách.
Ở mỗi buổi nói chuyện, không có bài tập, không điểm số, khoảng cách giữa người dạy và người học được kéo gần lại. Những nụ cười, nước mắt, những lời sẻ chia, đồng cảm, sẽ giúp việc học không còn là kiến thức khô cứng trong sách vở mà đã trở nên rất gần gũi, có thể dễ dàng chạm đến trái tim mỗi học sinh.
Ngoài ra, trong tuần lễ đầu tiên của năm học mới, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM cũng tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu, giúp học sinh làm quen với trường lớp, thầy cô, bạn mới. Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu qua đi, học sinh nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới, cảm nhận được ý nghĩa tích cực của việc “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Để động viên và nhân rộng những mô hình tốt, Sở GD-ĐT cũng nên có thêm nhiều sự ghi nhận như tuyên dương, khuyến khích các đơn vị làm tốt, thường xuyên nhắc nhở các trường quan tâm, tổ chức lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; đồng thời tạo thêm nhiều kênh giao lưu, ghi nhận ý kiến đóng góp của học sinh để môi trường giáo dục trở nên thân thiện, giáo viên tích cực, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người học.