Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Việt Nam chưa quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Đây là một khoảng trống về pháp luật cần được sớm bổ sung hoàn thiện trong thời gian tới để bảo vệ trẻ em tốt hơn, nhất là trong bối cảnh số lượng ô tô đang gia tăng nhanh, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện và tốc độ giao thông ngày càng cao.
Vì vậy, trong dự thảo luật đã đề xuất quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em, trong đó nêu rõ, cấm trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước (trừ xe có một hàng ghế); trẻ em cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em.
Trong báo cáo kỹ thuật chuyên sâu về thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em tại Việt Nam vừa được hoàn thành, các chuyên gia cho rằng phần nội dung dự thảo quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là hợp lý.
Quy định này chỉ áp dụng với xe con cá nhân vì loại xe này có thể di chuyển tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao và bố mẹ, người giám hộ chủ động. Quy định chỉ khuyến khích với các loại xe vận tải công cộng vì có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Dự thảo cũng đề xuất có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Theo các chuyên gia WHO, về mặt kinh tế, chi phí một thiết bị an toàn ở mức 1,5 - 2 triệu đồng/thiết bị, tương đương với 0,5% so với chi phí mua xe con tầm trung trên thị trường. Thiết bị này có thể áp dụng đối với cả xe mới và xe cũ.
Các chuyên gia đề xuất lộ trình thực hiện trong vòng 1-2 năm từ khi Luật có hiệu lực, có quy định chuyển tiếp về lộ trình để tuyên truyền và vận động để thay đổi nhận thức của người dân.
Theo thống kê của WHO, tại Việt Nam, số lượng trẻ em từ 1-10 tuổi tiếp cận với xe ô tô cá nhân khoảng 500.000 trẻ/năm, như vậy dự báo có khoảng 500.000 xe ô tô con cá nhân sẽ nằm trong đối tượng điều chỉnh của quy định này.
Cũng theo thống kê sơ bộ của WHO, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ/năm trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô.
Theo báo cáo này, đến nay đã có gần 100 quốc gia ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Trong khu vực ASEAN, nhiều quốc gia áp dụng quy định này như: Singapore (thông qua năm 2011), dưới 135 cm; Malaysia (thông qua năm 2020), dưới 136 cm và dưới 12 tuổi; Philippines (thông qua năm 2019), dưới 12 tuổi hoặc dưới 150 cm; Campuchia (2017) dưới 4 tuổi; Lào cũng đã có yêu cầu.
Khuyến cáo của WHO là ít nhất bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô cá nhân với trẻ cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi (lý tưởng là bắt buộc sử dụng với trẻ dưới 150 cm và 12 tuổi). Liên quan tới quy định này, chiều cao của trẻ có ý nghĩa quan trọng nhất, trong khi độ tuổi dễ tuyên truyền, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực thi nhất.