Theo Quân chủng Hải quân, hàng năm đơn vị đã cử hơn 1.600 lượt cán bộ, báo cáo viên đến các địa bàn tuyên truyền về biển, đảo cho các đối tượng. Trung bình 1 năm, lực lượng báo cáo viên trong Quân chủng Hải quân đã trực tiếp tuyên truyền cho 1,3 triệu lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân và học sinh, sinh viên.
Nội dung tập trung tuyên truyền pháp luật về biển, đảo Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo; tình hình thực tiễn trên các vùng biển, đảo nước ta; về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những động thái mới của nước ngoài trên Biển Đông; kết quả đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển; quan điểm của Đảng, Nhà nước trong giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Hàng năm, Quân chủng Hải quân đã đón trên 6.000 lượt phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội đến thâm nhập thực tế, lấy tư liệu tuyên truyền về hoạt động của bộ đội hải quân.
Từ năm 2019 đến nay, Quân chủng Hải quân đã tổ chức đón các đoàn đại biểu trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài đến thăm, động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-I, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thông qua các chuyến đi, các đại biểu được chứng kiến thực tế, nhận thức sâu sắc, hiểu rõ về biển, đảo Tổ quốc.
Sự cống hiến hy sinh của quân, dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-I đã tác động sâu sắc đến tình cảm của đại biểu; khơi dậy và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước và kiều bào về biển, đảo Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Thời gian tới, Quân chủng Hải quân xác định triển khai toàn diện, đồng bộ, có chiều sâu các chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo theo hướng sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại quốc phòng trên hướng biển; đấu tranh, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc sai sự thật về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Dịp này, Quân chủng Hải quân kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng chiến lược tổng thể về công tác tuyên truyền biển, đảo và chủ động chuẩn bị các yếu tố cơ sở pháp lý phục vụ kịp thời cho đấu tranh chính trị, pháp lý, ngoại giao để khẳng định chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, dự báo tình huống để có kế hoạch phối hợp đồng bộ tuyên truyền đấu tranh gắn với các tình huống trên biển, nhằm kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý với đấu tranh trên thực địa.