Trên là số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) công bố tại hội nghị phát triển phân bón hữu cơ phục vụ cho ngành nông nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng 9-3.
Tính đến tháng 12-2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp đã đăng ký trong giấy phép sản xuất phân bón là 713 sản phẩm, chỉ chiếm có 5% so với tổng số sản phẩm phân bón đã đăng ký trong giấy phép sản xuất hoặc đã công bố hợp quy (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ (13.423 sản phẩm) và 1,3% là phân bón sinh học (182 sản phẩm). Như vậy số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, nhập khẩu, sử dụng trong nước (đã công bố hợp quy) thuộc loại phân vô cơ đang có nhiều hơn phân hữu cơ tới hơn 19 lần.
Theo Bộ NN-PTNT, việc sản xuất và sử dụng phân bón đúng cách, cân đối sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài chúng ta đã sử dụng các loại phân bón hóa học nên gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Trong khi đó, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hoà dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn có thể khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời cải thiện môi trường đất.
Nhưng hiện nay trên toàn quốc chỉ mới có 180 cơ sở đã được cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% so với tổng số giấy phép sản xuất phân bón đã được cấp bởi Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương (735 cơ sở).
Tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và bằng gần 1/10 so với công suất sản xuất phân bón vô cơ (26,7 triệu tấn/năm).
Vì vậy tại hội nghị, nhiều chuyên gia đưa ra khuyến cáo: Đây rõ ràng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp đầu tư đón đầu sản xuất phân bón hữu cơ nhằm phục vụ cho nền sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản chất lượng cao trong khoảng 5 - 7 năm nữa.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ để tham gia sản xuất phân bón hữu cơ bảo vệ môi trường, đồng thời cam kết sẽ có chính sách thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón, lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh phân bón. Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao và thuê đất cũng như miễn giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phân bón hữu cơ. Có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Đề nghị các địa phương khuyến khích nông dân đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành để hạn chế tối đa tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng trong địa bàn.